Đôi nét văn hóa
văn học Công giáo Tây Nguyên
II. THỜI KỲ GIÁO PHẬN TÔNG TÒA (1932-1960)
Sau 82 năm (1850-1932), Miền Truyền giáo Kon Tum phát triển về mọi phương diện, được Tòa Thánh nâng lên thành Giáo phận Tông tòa Kon Tum tách khỏi giáo phận Tông tòa Qui Nhơn.
Ngày 29/6/1932, ba thanh niên Bahnar đầu tiên đã lãnh nhận tác vụ linh mục: đó là các cha Micae Hiâu (1900 - 1949), cha Giuse Châu (1900 - 1955), cha Antôn Đen (1903 - 1987). Một trong 3 vị đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử giáo phận Kontum: cha Antôn Den (Học), một nhà trí thức, một học giả Bahnar: dịch Thánh Kinh, dịch sách phụng vụ, viết hạnh các thánh và phụ trách tờ Hlabar Tơbang. Rất nhiều ấn bản của nhà in Kontum do Cha Antôn Den soạn thảo đã phục vụ hữu hiệu cho công việc mục vụ, giảng dạy, bảo tồn và truyền bá văn hóa văn học Tây Nguyên suốt một thời gian dài cho đến ngày nay.
Lm Antôn Den (Bahnar) với bản dịch Kinh Thánh Vào đầu thập niên 1930 này, thơ văn tiếng Việt ở Kontum mới dần định hình - nghĩa là mới bắt đầu có thơ văn lưu hành. Trong khi “tác phẩm văn học Đời” - thơ văn được sáng tác bởi các tác giả ngoài công giáo - chưa thấy xuất hiện nhiều và được ghi chép tản mạn
[19], thì với việc ra đời của Tạp chí “Chức dịch Thơ tín” - tạp chí của “Hội chức việc Á thánh Năm Thuông” của Địa phận Kontum, năm 1933, rất nhiều tác phẩm văn thơ công giáo đã được sáng tác bởi các tác giả là linh mục, quí ông câu, biện, giáo dân, chủng sinh…lần lượt được đăng trong tạp chí này. Tuy là một tờ báo nội bộ của hàng chức việc, nhưng “Chức dịch Thơ tín” - do linh mục Phaolô Lê Đình Ban làm chủ bút (từ 1933 đến 11.1937, Cha Simon Nguyễn Thành Thiệt thay thế), dưới sự chuẩn nhận của Đức Cha Martial Jannin Phước (imprimatur), đã đề ra đường hướng mở rộng, cả về nội dung lẫn đối tượng độc giả:
…Tô điểm văn chương lòng sở nguyện,
Khai đường thánh giáo ý hằng chăm.
Việc đời rao bảo người tri thức,
Lẽ đạo vẽ bày bạn phúc tâm.
(“Tặng Thơ tín”-Lương ngọc Anh,
CDTT số 39, 7.1936, tr.475)
Và trong tạp chí này có hẳn một mục “Văn Uyển”, hầu như số nào cũng có văn thơ đăng.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số tác giả và tác phẩm văn thơ công giáo chủ yếu được in trong Tạp chí “Chức dịch Thơ tín” từ năm 1933-1940.
1. Văn
Tác giả đáng kể nhất trong giai đoạn này là Lm Phaolô Lê Đình Ban (1881-1945), quê quán họ đạo Suối Nổ, địa sở Nhà Đá, tỉnh Bình Định, lên Kon Tum năm 1914. Cha Ban là chủ nhiệm kiêm quản lý tạp chí “Chức dịch Thơ tín” với khá nhiều bài viết về đủ loại đề tài: thời sự, lịch sử, tu đức, khoa học thường thức.v.v. như “Truyện các đấng mở đàng giảng đạo xứ Kontum”, “Năm Ất Dậu (1885)”, “Về vệ sinh (nhiều kỳ): Vệ sinh về đồ ăn, sự ngủ, áo mặc, cách làm việc, về bệnh rét…; “Một đều giao hòa vua Annam với nước Lang-sa”, “Chức việc phải ở với bạn đồng liêu là thể nào”, “Coi sách”, “Giảng khéo”, Hạnh đấng chơn phước Minh-ghê Hồ-đình-Hy, thới bộc chịu tử vì đạo (năm 1857), Gốc tích cây café sẻ xứ Kontum, Truyện một ông già, Tên đầy tớ dạy khôn, Hạnh tích cha Đề.v.v. Đặc biệt là tác phẩm “MỞ ĐẠO KONTUM” (nhà in Qui Nhơn 05.1933) soạn chung với Cha Simon Thiệt, là một cuốn sách có nhiều chi tiết rất hay về lịch sử truyền giáo Kon Tum, một lịch sử vừa kịch tích, hấp dẫn, vừa hào hùng. Ngoài ra, còn rất nhiều bài khác đăng trong báo “Lời thăm”, “Thông tin địa phận Qui Nhơn” của địa phận Qui Nhơn (vd: “Tử đạo tại Truông Dốc (Nhà Đá), P. Ban, “Lời thăm”, địa phận Qui Nhơn 15-22 April, 1943.v.v.). Những tác phẩm của Cha Phaolô Lê Đình Ban (bút hiệu P. Ban hoặc Phaolô Ban) có lối viết giản dị, cách hành văn trong sáng, sử liệu dồi dào, vững chắc…là đóng góp không nhỏ cho văn học sử Tây Nguyên nói chung, văn học công giáo Kon Tum nói riêng.

Tác phẩm “Mở Đạo Kontum của 2 Cha P.Ban và S.Thiệt xuất bản 5/1933 Tiếp đến có các tác giả, tác phẩm tiêu biểu:
- Lm Phêrô Nguyễn Cơ (1890-1967), giáo sư trường Cuénot. Một số bài viết của ngài dưới bút danh P. C: “Đa ngôn đa quá luận đàm”, “Tháng các đẳng”, “Nghĩa vụ phu thê”, “Vấn đề lương giáo”, “Phương giúp trừ muỗi”, “Cảm tưởng về ngày khai trường Probatorium”
[20].v.v.
- Lm Antôn Ngô Đình Thận (1903-1982), bút danh A. Ngô Đình, A. Ngô Đồng: “Luận câu : Dưỡng bất giáo phụ chi quá” (Nuôi con chẳng dạy tội rày cha mang), “Cái hạnh phúc gia đình”, “Cảm tưởng bạn thanh niên miền Thượng”, “Tính cuộc trăm năm”, “Cõi trần sơ luận”, “Phép lịch sự lúc ra ngoài”, “Luân lý có phải là nghĩa vụ của mọi người chăng?” “Ăn mà sống không phải sống mà ăn”, “Sao oai thế?”, “Hữu thể bất khả ý tận”, “Minh niên cảm tưởng”, “Hỏi kẻ có vợ chồng cùng kẻ đồng trinh ai hơn?.v.v.
- Ngoài ra, một số tác giả khác góp mặt trong giai đoạn này như: Ngọc Thanh, Lương Ngọc Anh, Phú Sơn, Alexis Hồ v. Lư, Giám mục Ma-xi-a-li (Martial Jannin) viết thư mục vụ bằng tiếng Việt: “Gởi lời thăm cùng chúc mọi sự lành, cho các giáo hữu địa phận Ta đặng hay”, Hương Ba, Bế Ngọc, P. Thiệt, Nhà-đá.v.v. - Đặc biệt tiểu thuyết “RỪNG XANH LƯU LẠC” của tác giả Bế Ngọc, in trong tạp chí “Chức dịch thơ tín” từ số 36, tháng 4/1936 đến số 51, tháng 7/1937, về tài phiêu lưu mạo hiểm Tây Nguyên. Có thể nói đây là một đóng góp rất đáng ghi nhận của văn học Công giáo Tây Nguyên.
Một trang của tiểu thuyết “Rừng xanh lưu lạc” trong Tạp chí “Chức dịch thơ tín”, in năm 1936 tại Nhà in Kuenot Kontum 2. Thơ ca
Mặc dù là những cây bút “cây nhà lá vườn” với thiện ý “việc đời rao bảo người tri thức,/ lẽ đạo vẽ bày bạn phúc tâm”, nhưng các tác giả thơ “không chuyên” ở đây cũng đã cố gắng “cạn lời vàng ngọc vun trồng”, nên những vần thơ đạo Kon Tum thời kỳ này ngoài giá trị về nội dung truyền giáo, chúng cũng mang những giá trị nghệ thuật nhất định.
* Về thể loại: khá phong phú như thất ngôn, thất ngôn bát cú, lục bát, ngũ ngôn, vè.v.v., cũng có một số bài được làm theo thể thơ tự do (xem bài “Kỷ niệm tiễn bạn”), hay trong cùng một bài có những cách đặt câu gieo vần theo lối thơ mới (“Nhớ bạn”.v.v). Nên nhớ phong trào “Thơ mới” ra đời từ năm 1932 đã chủ trương cách tân về hình thức và cách diễn đạt thơ, tuy vậy cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến những miền quê, vùng miền núi, vùng sâu vùng xa…
* Về ngôn ngữ thơ: Các tác giả góp phần quảng bá và làm trong sáng vốn tiếng Việt. Tuy vẫn còn nhiều bài theo hình thức cũ, sử dụng từ ngữ cũ, từ Hán-Việt…nhưng cũng không hiếm những tìm tòi sáng tạo. Nhiều câu thơ đã lột tả những uẩn khúc bên trong, như tâm sự của một cựu chủng sinh: “Xưa vui đó ai gọi vui buồn,/ Rày buồn đây thật là buồn vui” (“Kỷ niệm tiễn bạn”), diễn tả ý “trong niềm vui đã chực sẵn nỗi buồn, trong nỗi buồn cũng có những niềm vui” ta vẫn hay gặp nhiều trong “thơ mới”. Hay cách chọn lọc từ ngữ tinh tế có sức biểu đạt cao.
* Về tác giả: Bên cạnh một số tác giả là cộng tác viên thường xuyên của tạp chí “Chức dịch Thơ tín” như A. Ngô Đình (bút danh của Lm Antôn Ngô Đình Thận), Xuân Thanh (tức ông Lôrenxô Nguyễn Xuân Thanh (1915-2008), là ông biện họ đạo Tân Hương, nguyên trước là thầy giáo làng)…Một số tác giả khác góp mặt với tên đầy đủ hoặc sử dụng bút danh - họ là người Kontum hoặc cũng có thể là cộng tác viên ở nơi khác như Lương Ngọc Anh, Cẩm Hương, Paul Thà (thầy Thà-Phương Nghĩa), Antoine X., Philippe T., Nhà đá, P. T., Đào Minh Nguyệt, Paul Tân Bút, Chúc dưng, Thanh Xuân, Con út họ Môn-giang, Michel N., Paul T. P. N., Tên Tôi, Nguyễn Hướng, N. khắc Toàn, T. N., Nguyễn Nhạn Hồng, Nguyễn Khắc Đoàn, L. Sáng Bạch, T. t. Thành…Một đội ngũ người viết khá dồi dào xuất thân từ tầng lớp có học như linh mục, thầy giáo, công chức, chức việc, chủng sinh…
* Về nội dung: Chúng tôi xin tạm chia thành 3 phần, theo nội dung của các bài thơ. Đây chỉ là một cách chia tạm thời, mang tính tương đối, để bạn đọc dễ hình dung hơn mà thôi.
a. Thơ, vè chúc mừng, chào mừng:
Gồm một số bài chúc Tết, chúc bổn mạng Đức Cha, quí Cha và cộng đoàn, chúc mừng bổn báo; có bài được sử dụng kết hợp với múa chào mừng (xem bài “Ba đăng vũ ca”) hay bái lạy (“Minh Niên Trâu qua Cọp đến”, Bài I, Bài II). Những câu chúc thường khi vượt ra khỏi ranh giới của họ đạo, của giáo phận …mang ý nghĩa đại đồng.
b. Thơ ca giáo lý, cầu nguyện, giảng dạy, khuyên răn:
Đây là phần chủ lực, gồm những bài thơ diễn giải giáo lý, nguyện gẫm (xem bài: “Thánh Thể”, “Tháng Trái Tim Đức Chúa Giêsu”, “Lời cầu”, “Tháng Đức Bà”, “Tiến-ba ngâm”.v.v.) ; những lời cha mẹ dạy dỗ khuyên răn con cái, các Cha khuyên bảo quí chức và giáo hữu, thầy khuyên trò, bạn đồng lưu đàm đạo nhắc nhở nhau.v.v., thuộc nhiều đề tài như về đạo làm con, về hôn nhân gia đình, về cách đối nhân xử thế…(“Khuyên con gái lấy chồng”, “Khuyên học trò”, “Huấn tử ca”, “Dạy con ở cho có đức”.v.v.).
c. Thơ tự sự, tả cảnh…
Thơ đề tài này rất phong phú, gồm những lời tâm sự, tâm tình hoài hương, gợi nhắc kỷ niệm, ghi nhận cảm tưởng (“Gởi cho bạn ở Trung Châu”, “Nhớ”, “Nhớ cảnh”…; miêu tả sự việc, cảnh vật qua đó rút ra bài học luân lý (“Văn vần mồi chim”, “Cây trắc với cây lau”, “Chim mèo”…; “Cảnh hố Đangria”, “Vịnh mặt trăng”, “Trường Thừa sai”, “Nhìn phong cảnh nhớ người xưa”…) ; những ngẫm ngợi thế thái nhân tình (“Cánh hoa tàn”, “Than già”, “Thơ rượu”).v.v.
Có thể nói các tác phẩm thơ Đạo của các thế hệ tiên hiền ở Kontum, tuy không nhiều và không xuyên suốt qua các thời kỳ, nhưng cũng chuyên chở được những ý tứ sâu xa và văn phong đầy thi vị, từng là công cụ chuyển tải nội dung Tin Mừng đến cho các thế hệ con em. Những vần thơ này thường tự ẩn mình chìm khuất giữa dòng đời, rất dễ bị quên lãng, nhưng kỳ thực chúng rất đáng được trân trọng, sưu tầm và đọc lại, để hiểu thêm ngày xưa ông bà ta đã sống đức tin như thế nào.
4. Đặc biệt có những bài thơ, văn vần bằng tiếng Pháp, tiếng Bahnar, được sáng tác bởi Cha Louison (Cố Lui) và các Yao Phu trường Kuenot. Cha Hồ Ngọc Cẩn đã chuyển ý các bài ca tiếng tiếng Pháp và tiếng Bahnar này sang các thể thơ bát ngôn và lục bát thật khéo léo và ý vị, góp thêm vào gia sản thơ Đạo trên miền Kontum (các bài thơ của Cha Hồ Ngọc Cẩn được in trong báo “Nam Kỳ Địa Phận, số tháng 7.1935)
[21].
Tiếc rằng phong trào sáng tác văn học công giáo đã không trở thành dòng chảy liên tục, vì đến năm 1940, Tạp chí “Chức dịch Thơ tín” do thời cuộc (chiến tranh thế giới II bùng nổ, ĐC Jannin qua đời năm 1940, Cha P. Ban qua đời năm 1945…) đã không thể tiếp tục sứ mạng, đành chuyển đổi vai trò sau gần chục năm phụng sự “tô điểm văn chương, khai đường thánh giáo”, và cũng vì thế mà “Văn Uyển” từ đây vắng bóng những vần thơ, bài văn, để lại một lỗ hổng trên con đường phát triển văn học nhà Đạo trên miền Tây Nguyên.
Sau “Chức dịch thơ tín”, Giáo phận có chuyên san Les Echos (1941) - sau đổi thành tờ Dư âm, năm 1968 đổi thành tờ Tiếng Vang, dành riêng cho các linh mục trong giáo phận.