Thiên Chúa, một chút Lịch sử
của Đấng vĩ đại nhất
(Tác giả: Mansfred Lütz - Người dịch: Phạm Hồng Lam)
IV. THIÊN CHÚA CỦA NGƯỜI VÔ THẦN – MỘT PHẢN KHÁNG TUYỆT DIỆU
Câu trả lời của Vô thần dĩ nhiên có vấn đề. Trên căn bản, người vô thần phủ nhận Thiên Chúa, vì thế, một cách nào đó họ phải đưa ra một hình ảnh về cái mà họ phủ nhận, nghĩa là hình ảnh về Thiên Chúa theo họ nghĩ. Thành ra ở đây, không phải là không có lí, nếu ta bàn về „Thiên Chúa của người vô thần“.
1. TÔI NGHĨ ĐIỀU TÔI MUỐN
Vô thần có từ bao giờ? Khó trả lời. Một số nhà khoa học đứng đắn cho rằng, Vô thần chỉ xuất hiện trong một giai đoạn ngắn mới đây, và cũng chỉ hạn chế trong một vùng địa lí, đặc biệt vùng trung và bắc Âu châu mà thôi. Có người lại bảo, nó có từ xưa rồi, bởi thời nào mà chẳng có những đầu óc tự do chống lại quan điểm chính thống đương thời. Quan điểm của những người có lòng tin, bảo rằng đã có một thời không có „người vô thần“, cũng không vững. Nếu như vậy, làm sao nói được niềm tin vào Thiên Chúa là một quyết định tự do? Những thông tin về thời tiền sử chưa có chữ viết của nhân loại thì mơ hồ. Những hình vẽ trong các hang nghĩa trang ở miền nam nước Pháp trước công nguyên hàng chục ngàn năm chỉ cho ta hay, người thượng cổ tin thân xác vật chất còn có một í nghĩa nào đó sau khi chết.
Từ niềm tin này đi tới việc chấp nhận có một Thượng đế bên kia thế giới là một bước không xa. Nếu quả đã có Vô thần chống lại niềm tin đương thời trong giai đoạn chưa có chữ viết, thì không biết họ phát biểu làm sao. Làm sao diễn tả việc chối bỏ không công nhận sự hiện hữu của một „thực thể“ nào đó? Vì vậy, cần phải rất cẩn thận trong việc khẳng định có hay không có Vô thần trong thời tiền sử. Ngược lại, trong thời kì đã có chữ viết, ta thấy có những chứng cớ khá sớm về những quan điểm chống lại niềm tin vào Thiên Chúa đương thời, nhưng bảo những người này là vô thần thì có lẽ cũng không đúng hẳn.
Nếu muốn tiếp tục tìm hiểu thêm vấn đề ở đây, trước hết phải xem từ „Vô thần“ có nghĩa là gì đã. Vô thần, theo nghĩa chung chung ngày nay, là phủ nhận có sự hiện hữu của một Đấng tạo dựng trời đất toàn năng, vị này tiếp tục giữ gìn tạo vật trong tay, và đến „ngày sau cùng“ sẽ phán xét con người, tách biệt người lành kẻ dữ, người lành sẽ được thưởng phúc thiên đàng, kẻ dữ bị luận phạt hoả ngục. Đi ngược trở lại lịch sử của í niệm này, ta thấy lắm hiện tượng khá rối trí. Vì không chịu thờ thần linh nhà nước và thờ hoàng đế thiên tử, các ki-tô hữu xưa bị coi là vô thần. Cả Sokrates cũng phải chết vì tội vô thần, vì ông dám coi đám thần linh lúc nhúc trong bầu trời Hi-lạp chẳng ra gì, và, với suy nghĩ của một triết gia, ông đã lên đường tìm về một Thiên Chúa duy nhất.
Nếu lấy í niệm Thiên Chúa theo lối hiểu Ki-tô giáo ngày nay để thăm dò cổ thời nhân loại, ta sẽ thấy đầy dẫy „Vô thần“. Bởi vì làm sao người thời đó hiểu được Thiên Chúa như ta hiểu ngày nay? Mặt khác, toàn bộ lịch sử nhân loại lại đầy dẫy những niềm tin muôn màu vào thần linh và vào Thiên Chúa. Vì vậy, phải cẩn thận, đừng để rơi vào chủ nghĩa đế quốc tinh thần do những mánh khoé lạm dụng í niệm tạo ra, và qua đó kéo dãn vương quốc vô thần hay vương quốc niềm tin Thiên Chúa ra quá rộng một cách không thích đáng. Dù sao, í niệm Vô thần khá mơ hồ, và có lẽ nó càng rõ nghĩa hơn, khi ta càng tiến gần vào thời Hiện đại.
Nhưng thời nay cũng không dễ có được những đối lập đơn giản. Nhà thần học Karl Rahner gọi thái độ của những người tự coi là vô thần, nhưng sống một cuộc sống như có Thiên Chúa, là „vô thần vì kính trọng Thiên Chúa“. Họ chấp nhận thà là „vô thần“, còn hơn phải sống với một thứ Thiên Chúa bề ngoài của mấy ông bà „đạo đức“ môi miệng. Thiên Chúa này không hợp với kinh nghiệm tôn giáo bề sâu của họ.
Vì thế, ta vẫn phải chấp nhận phần nào tính mơ hồ của í niệm Vô thần, nhất là để khỏi phải loại trừ ra bất cứ hiện tượng quan trọng nào. Sử gia người Pháp Georges Minois cũng công nhận như thế. Năm 2000 Georges Minois cho phát hành cuốn sách nổi tiếng của ông, ấn bản tiếng Đức 700 trang Lịch Sử Vô Thần Từ Khởi Thuỷ Tới Hiện Nay, cuốn sách thật đầy đủ và hấp dẫn, đúng là chỉ có sử gia Pháp mới viết được những cuốn như thế.
Sách ông đã giúp tôi viết chương này. Minois có cảm tình với quan điểm vô thần, dù vậy, ông đã không đứng về một phía nào khi viết, và sách ông nói chung đã thành công nhờ thái độ khách quan đó. Ông phân biệt ra Vô thần thực hành và Vô thần lí thuyết. Người vô thần thực hành sống như không có Thiên Chúa, dù họ có bảo mình tin gì đi nữa. Ngay chính trong những thời hoàng kim của Ki-tô giáo, thái độ sống này cũng rất phổ biến nơi các tầng lớp dân chúng. Người vô thần lí thuyết tuyên xưng rõ ràng sự Vô thần của mình và thường đưa ra những biện minh cho quan điểm mình.
Minois nói nhiều tới loại Vô thần phản kháng, nghĩa là loại người chống lại quan điểm đức tin nhiều ít cứng nhắc trong những giai đoạn nào đó. Thái độ này được coi là ngang ngạnh, can đảm hay cũng chỉ là một thứ tình cảm quá độ. Và như thế, tùy theo mỗi giai đoạn, Vô thần mang những nét hoàn toàn khác nhau.
Cựu Ước đã nói tới Vô thần. Trong Ca Vịnh 10 có câu: “Kẻ không tin cao ngạo nói: Thiên Chúa không phạt. Không có Thiên Chúa.“ Và rồi ta thấy những lập luận về Vô thần, đặc biệt nơi người Hi-lạp. Trí tuệ hi-lạp đã bừng dậy, khi họ quan sát và nghiên cứu thiên nhiên. Đối với triết lí hi-lạp thời tiền Sokrates, hành trình đi tìm các định luật thiên nhiên không phù hợp với niềm tin vào các thần linh trên trời. Họ cho rằng, bầu trời thần linh cũng giống như một cộng đoàn sống chung lộn xộn gồm những tay tâm bệnh mất dạy và rất khó lường; những tay này thỉnh thoảng lại bất chợt ném sấm, chớp, chiến tranh, tai ương xuống nhân loại. Vì thời đó chưa có quan niệm về „Thiên Chúa“, nên các nhà khoa học thiên nhiên luận bàn triết lí lúc đó thường bị đổ cho tội „vô thần“.
Người được biết tới nhiều nhất là Demokrit (khoảng năm 460 tới khoảng 370 trước công nguyên). Để giải thích toàn thể vũ trụ, ông này đã đề ra một thuyết vật chất rất triệt để, trong đó đương nhiên không thể có mặt các thần linh phá hoại hay của một Thiên Chúa độc nhất. Đối diện với cái bất tận của vũ trụ và sự rữa nát của thân xác, Demokrit đã đưa ra những đề tài, mà nhiều trăm năm sau, làm phấn chấn người vô thần, đó là: Vật chất – trong đó có thế giới – hiện hữu đời đời, không có khởi đầu mà cũng chẳng có kết thúc; tất cả được tạo thành bởi các nguyên tử; không có gì là ngẫu nhiên hay nhất thiết trong đó; con người xuất hiện trong thế giới rồi lại biến mất hẳn.
Demokrit đã dùng tâm lí để giải thích niềm tin vào các thần linh. Theo ông, đó là những hình ảnh ảo giác do các hiện tượng thiên nhiên tạo nên. Dĩ nhiên, „thần linh“ của các „nhà vô thần“ này cũng chỉ là những con rối vô công rỗi nghề chen chúc nhau trên bầu trời Olympia Hi-lạp. Là những kẻ suy nghĩ thực tiễn và lí sự, những nhà vô thần hẳn không chấp nhận những con rối đó, và các triết gia đứng đắn về sau này cũng không nhấp nhận những thứ thần linh đó. Tuy nhiên, tất cả những người này không phản đối quan niệm về một Thiên Chúa siêu việt duy nhất, là vì quan niệm này thời đó chưa có.
Epikur (?341-271) là một trường hợp cá biệt với nhiều hệ quả. Đặc biệt nhiều ki-tô hữu sau này coi ông là một tay ăn chơi trác táng. Nhưng thực ra ông chủ trương một nghệ thuật sống tinh tế, không nhắm tới hưởng thụ tối đa, song hướng đến sự điều độ chừng mực. Ai ăn uống thả cửa, kẻ đó không phải môn đệ của thầy Epikur, mà đó chỉ là một tay học đòi hiểu không tới. Epikur chủ trương phải làm chủ mình – và dĩ nhiên chẳng có thần thánh nào được nhúng tay vào lối sống này cả.
Mà ngay Vô thần của Epikur cũng có chừng mực. Với ông, có thể có nhiều thần linh, hoặc cũng có một Thiên Chúa, và Thiên Chúa này cũng có thể đã dựng nên trời đất, nhưng các thần linh hay Thiên Chúa này đã vui vẻ tự quyết định về hưu, để khỏi làm phiền con người. Một Thiên Chúa vô cảm và thờ ơ với thế giới như thế, thì cũng như không có Thiên Chúa. Đối với Lukrez, một nhân vật lớn của Rô-ma ngưỡng mộ Epikur, thì hệ quả triệt để của Epikur không phải là hướng tới vui sống, mà là chán sống. Hết lo sợ về thần linh, con người đâm ra khiếp sợ Hư vô.
Kết luận: Thiên Chúa, mà các nhà vô thần cổ thời chối bỏ, là thứ thế giới thần linh hỗn độn trên núi Olympia. Còn thứ Thiên Chúa mà họ sáng tạo ra, thì lại là thứ Chúa đã về hưu của Epikur, có mà cũng như không.
3. MỘT TÔN GIÁO CA MỪNG VÔ THẦN
Như vậy, chẳng lạ gì khi người ta thấy Ki-tô giáo vươn lên từ đống tro tàn các tôn giáo thời cổ, và nó đặc biệt lại viện tới những nhà tư tưởng xưa kia thường bị gán cho tội vô thần. Giáo phụ rất đáng kính Clementus ở Alexandria còn ca ngợi nét thực tiễn và trong sáng của các „nhà vô thần“ này. Về sau, người ta còn nhận ra nỗi khát vọng mãnh liệt về một Thiên Chúa đích thực chính nơi các nhà tư tưởng „vô thần“ cổ thời. Thánh giáo phụ Justinius ( ?-165) dám gọi Sokrates là một ki-tô hữu. Như vậy, ai chưa được Thiên Chúa ki-tô giáo mạc khải, người đó phải được khen ngợi, chứ không phải bị chửi bới, về các phê bình hữu lí của họ đối với các cấu trúc tôn giáo giả tạo của thời Cổ.
Nhưng một khi tôn giáo độc thần hoàn vũ Ki-tô giáo (nghĩa là tin vào một Thiên Chúa duy nhất) đã xuất hiện trong lịch sử, thì một tình trạng như thế chẳng bao giờ xẩy ra nữa. Giờ đây, ít ra nơi phương tây ki-tô giáo, Vô thần phải là cái gì hoàn toàn khác. Thiên Chúa, mà người vô thần trong thời Trung cổ chối bỏ, dù muốn dù không là một Thiên Chúa hoàn toàn khác, đó là Thiên Chúa cá vị duy nhất của sứ điệp ki-tô giáo. Như vậy, Vô thần thời Trung cổ cũng phải là một loại Vô thần khác. Một văn hoá mới nẩy sinh từ đức tin ki-tô giáo. Thánh đường và nhà thờ chính toà vươn lên vô tận tới trời xanh. Hàng đoàn người trẻ hân hoan bước vào các tu viện. Các hoàng đế và vua chúa nhận vương miện từ tay thánh hiến của giáo chủ Rô-ma hay của giám mục. „Nước Chúa“, mô hình do An-tịnh vẽ ra bằng văn chương để thay thế Đế Quốc Rô-ma đã hết sức sống, dần được định hình.
Nếu nhìn từ ngoài vào, thì Vô thần trung cổ xem ra là một chương sách trống. Nhưng Georges Minois cũng đã dành cho nó tới 40 trang đầy chữ. Là vì cả trong thời đó cũng có những con người suy nghĩ tự do, không chịu đứng trong luồng. Phải công nhận rằng, thời Trung cổ còn được tự do suy nghĩ hơn là giai đoạn bước vào thời Mới, là lúc hình thành các hình thái quốc gia quyền uy với những toà thẩm tra tôn giáo cũng như với những biện pháp cứng rắn khác, nhằm giữ ổn định và thống nhất tín ngưỡng nơi thần dân.
Vì không hiểu, nên người ta gán cho Trung cổ là giai đoạn „đen tối“. Thật ra, trên một số bình diện, đó là thời vô cùng tự do. Trong các trường thần học hay đại học người ta tranh cãi với nhau ở tầm lí luận rất cao. „Các nhà trí thức thời Trung cổ cổ vũ cho lí trí chống lại quan điểm chính thống đã ngự trị quá lâu“ (Minois). Và các triết gia „ngoại giáo“ được họ trích dẫn một cách kính cẩn và đương nhiên. Nhà tư tưởng khổng lồ của Trung cổ, Tô-ma ở Aquino, coi Aristoteles là „triết gia“. Aristoteles đã có một số tư tưởng khả dĩ sử dụng được cho ki-tô hữu; nhưng ông hoàn toàn không biết gì về tạo dựng, ông quan niệm tinh thần cũng chết và không có cuộc sống đời sau.
Nhưng chính Tô-ma ở Aquino cũng là người đã viết một tác phẩm lớn chống lại „kẻ ngoại đạo“, đấy là dấu hiệu cho thấy, thời đó cũng đã có những quan điểm vô thần cần phải chống lại. Như thế, Vô thần cũng là một đề tài trong thời Trung cổ. Đã có những bản án „Vô thần“, kết tội một Siger ở Brabant, một Abaelard và một Egidio Romano chẳng hạn. Với sự trợ giúp của lí trí, những người này đã dùng mọi cách cố san bằng hoặc chôn vùi một cách tinh vi toà nhà đức tin ki-tô giáo tuyệt vời đương thời. Với cái nhìn khắt khe ngày nay, Minois còn điểm ra được nhiều nhà vô thần thời Trung cổ hơn các cơ quan chính quyền lúc đó.
Mà ta cũng chẳng lạ gì cái Vô thần đó của thời Trung cổ. Đã có những người chối Chúa can đảm, ngang bướng, nhưng cũng hám danh xuất hiện trong thời Trung cổ ki-tô giáo. Họ là những người có đầu óc, cảm thấy bực bội trước cảnh con người đồng loạt a dua chạy theo Thiên Chúa, vì thấy thiên hạ ai cũng làm như thế. Lại nữa, thời này cũng nhan nhản người vô thần thực tiễn, đó là những ki-tô hữu chẳng thèm tới nhà thờ, mà cũng chẳng xem vạ tuyệt thông ra gì cả.
Vô thần trung cổ thực sự không tạo nên được gì độc đáo và mạnh mẽ. Thiên chúa về hưu của Epikur ăn mừng cuộc sống lại của mình với thuyết „chân lí giả“: Người ta cho ông già đáng thương này mang thêm các đặc tính ki-tô giáo rồi khiêng ông lên giam lỏng trên trời. Ở đó, ông không còn quan hệ gì nữa với thế giới trần gian, một thế giới được nhận biết bởi lí trí và vận hành theo những quy luật riêng của nó. Nghĩa là, rốt cuộc, những đề tài cũ rích của Vô thần cổ thời được hâm nóng lại và dọn ra với thứ nước chấm trung cổ. Đó là các đề tài như của một Demokrit về sự vô tận, không đầu không cuối, của thế giới vật chất này và chuyện không có đời sau. Về sau, những đề tài này cứ tiếp tục xuất hiện trở lại như những con ma cà-rồng đói, nhằm hù doạ những tâm hồn đạo đức.
4. BỮA TIỆC RƯỢU SÂM-BANH CHẲNG RA GÌ CẢ
Chẳng lạ gì khi người ta bảo, Phục hưng là thời có nhuốm mùi vô thần. Con người thời này, nói chung, hành động rất khôn khéo, để những quan điểm chống đối của họ không đi tới mức quá nguy hiểm. Tuy nhiên thời này rõ ràng cũng đã có sự khó chịu về những cấm cách và đã có những yếu tố kích động khiến người ta đi tới mé cấm kị. Có những nhóm nhỏ chối bỏ Thiên Chúa, họ buôn bán các thứ đồ cổ vô thần và thờ ngẫu tượng, họ tin vào những thứ không thể tin được và đi tới mê tín dị đoan. Đặc biệt thuyết Phiếm thần (Pantheismus) rất được mùa, thuyết này đã phổ biến trong thời Cổ và tin rằng tất cả vạn vật đều có thần tính.
Song song còn có thuyết Hữu thần (Deismus), cũng được gọi là „tiểu vô thần“, thuyết này tin vào một Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa này hoàn toàn chẳng ảnh hưởng gì lên thế giới: một phiên bản Thiên chúa về hưu mới của Epikur. Với hai thuyết tương đối hợp thời đó, người ta đã có thể tránh được từ ngữ Vô thần, lúc đó đã khoác nghĩa xấu rồi. Nhưng thái độ coi „Thiên Chúa là ông già tốt bụng“ ngồi yên cho mình tự do ăn chơi, lại còn tệ hơn là Vô thần nữa.
Chạy theo ông già tốt bụng đó thì cũng giống như kiểu người ta vừa cầm li sâm-banh vừa nhẹ gót chuồn ra khỏi cuộc gấu ó sống chết và triền miên của các giáo hội thiên chúa giáo vừa khởi xướng lúc đó. Các giáo hội ki-tô giáo lúc đó đã không thể nào hoà giải được với nhau. Nhà cải cách rầu rĩ Jean Calvin vừa lập lên một chế độ khủng bố ở Genève, và công đồng Trento lúc đó cũng đang nỗ lực ngăn chặn cuộc sống ăn chơi quá đà của Giáo hội công giáo. Trong cuộc tranh đua tôn giáo, các bên một mặt tìm cách chứng tỏ mình đúng hơn đối phương, mặt khác trong chính nội bộ, họ dùng hình phạt lạc giáo hay bản án vô thần đội lên đầu những ai hơi lệch khỏi luồng mình.
Đối với Calvin, theo giáo chủ Rô-ma cũng đồng nghĩa với vô thần. Cuộc tranh cãi dữ dội đã tạo cơ hội cho thế quyền nhảy vào, và các quốc gia đã lợi dụng tình thế để mở rộng ảnh hưởng lên thần dân mình. Cuộc tranh cãi nhiều lúc đã biến thành cuộc tranh giành quyền lực, chứ chẳng còn là đấu tranh cho sự thật nữa. Đức tin vào Thiên Chúa, giờ đây, không chỉ là giới răn của giáo hội nữa, mà cũng là lệnh buộc của thế quyền. Vì thế, các đầu óc tự do cũng như nhiều cá nhân có í thức đã lên tiếng chống lại.
Trung cổ đã giúp ta đau đớn nhận ra sự phân biệt giữa cái linh thiêng và cái trần tục, giữa giáo chủ và hoàng đế, giữa giáo hội và nhà nước. Nhưng cái gia sản quý báu này, sau này sẽ trở thành nền tảng tinh thần của „phương tây“, chỉ dần được thực thể hoá trong thời Mới.
Thời đó, trong không khí chiến tranh tôn giáo của thế kỉ 16, những đầu óc tự do chống đối phải đứng giữa hai lằn đạn thần quyền lẫn thế quyền. Cả Vô thần lí thuyết lẫn thực tiễn đều phải hành động cẩn thận hoặc phải nguỵ trang khôn khéo. Dù vậy, có nhiều chứng cớ cho thấy đã có sự trỗi dậy của Vô thần trong thế kỉ 16. Ở Anh, văn sĩ Christopher Marlowe chẳng tin gì nữa. Ở Pháp, có nhà văn Michel de Montaigne. Ở Í, một lãnh tụ của đám lính đánh thuê đặt khắc một bảng đeo ngực bằng bạc, trên có câu: „Kẻ thù của Thiên Chúa, của thương cảm và của nhân ái“.
Ở Đức, vị tư lệnh quân đội của hoàng đế công giáo Karl V. là Georg Frundsberg đã hô hoán „Ta muốn thấy giáo chủ Rô-ma bị treo cổ“ khi mang quân sang đánh cướp Rô-ma. Thời thế chẳng còn tốt đẹp như trước. Nước Í được xem là cái nôi của Vô thần. Vasari cho hay, Leonardo da Vinci, cha đẻ bức danh hoạ Bữa Tiệc Li nơi nhà ăn tu viện Santa Maria delle Gratie ở Milano, đã bỏ đạo. Katharina tộc Medici bị kết tội đã xuất cảng tinh thần vô đạo vào hoàng cung Pháp. Vô thần trong các thế kỉ tới sẽ được khơi nguồn đặc biệt từ Pháp.
Nhưng Vô thần của giai đoạn khởi đầu thời Mới đã thiếu sáng tạo về mặt tinh thần. Nó sống bằng đề đài của Cổ thời và bằng tâm tình chống Ki-tô giáo rất phổ biến lúc đó – lan cả nơi tầng lớp giáo sĩ; tâm tình này hình thành phần nhiều do sự thiếu hiểu biết lẽ đạo, chứ không hẳn do thái độ thực tình chống Ki-tô giáo. Nói chung, người ta chẳng còn hiểu gì về đạo.
Những mâu thuẫn trong Kinh Thánh, mà hàng ngàn năm trước các giáo phụ với đầu óc vô cùng cởi mở đã giải quyết và đã giúp ta hiểu sâu vào những đoạn Kinh Thánh đó, giờ đây được đem ra xào nấu lại với một trình độ tri thức thấp kém hơn. Về mặt tâm lí xã hội, đây thực ra chẳng phải là sự chống đối Thiên Chúa, nhưng là phản kháng lại quan điểm chính thống đương thời, nói đúng hơn, chống lại quan điểm của những kẻ nắm quyền chạy theo Vô thần. Lối sống thay đổi của tầng lớp lãnh đạo thế quyền, và cũng không ít của thần quyền, đã làm cho đức tin mà họ là đại biểu hết còn khả tín.
Tóm lại, Vô thần đầu thời Mới là tập hợp của những tay hài hước thảm thương, những nô bộc tình cảm cao cấp của triều đình và những đầu óc tự do bướng bỉnh; họ tự coi mình một cách nào đó trội vượt hơn thiên hạ hoặc là coi mình là những tay nổi loạn ương ngạnh nhưng chẳng đưa ra được lí lẽ gì cho ra hồn, chẳng hạn như Giordano Bruno. Ông này mãi về sau này được người ta tô chuốt lên thành một thứ nạn nhân của khoa học, nhưng chẳng người đương thời nào đã quan tâm tới thuyết vũ trụ ngàn đời linh thiêng của ông.
Vô thần thời này cũng có những mặt tối. Không hiểu sao, trong nhiều thành phố, tự do đầu óc song hành với sự gia tăng con số người tự tử một cách đáng sợ. Thomas Morus viết trong cuốn Utopia của ông: Người vô thần không được nhận vào hàng công chức, vì đạo đức của họ có vấn đề. Tình cảm chán đời và lo sợ về cuộc sống nơi mỗi cá nhân xuất hiện trong các nhóm vô thần: họ sợ cô đơn trong một thế giới vắng Thiên Chúa và vô nghĩa. Thay vì để giải thoát con người, đem họ vào một cuộc sống dư đầy lạc thú, Vô thần giờ đây bỗng nhiên trở thành cơn ác mộng.
Một số tay chối Chúa có tiếng đã kịp thời trở về lúc đang nằm trên giường chết, như John Wilmot, người Anh, bá tước thứ hai của thành Rochester; một số khác bị đồng bạn vô thần cản ngăn, như trường hợp Romainville. Khi một linh mục dòng Phan-sinh tới để ban phép giải tội cho ông, một đồng bạn của người liệt giường liền chĩa súng vào linh mục: „Yêu cầu linh mục lùi lại, nếu không tôi bắn ông: Tên này đã sống như một con chó, thì giờ đây nó phải chết như một con chó.“ Thứ Vô thần như vậy chẳng có chút sáng tạo nào cả, nó chỉ tạo ra được những màn giễu dở kệch cỡm.
Câu trả lời của Vô thần dĩ nhiên có vấn đề. Trên căn bản, người vô thần phủ nhận Thiên Chúa, vì thế, một cách nào đó họ phải đưa ra một hình ảnh về cái mà họ phủ nhận, nghĩa là hình ảnh về Thiên Chúa theo họ nghĩ. Thành ra ở đây, không phải là không có lí, nếu ta bàn về „Thiên Chúa của người vô thần“.
5. CUỘC TRẢ THÙ THÚ VỊ CỦA ÔNG LINH MỤC QUẢN XỨ
Chúng ta đã bước vào thế kỉ 17, đây là giai đoạn Vô thần được thúc đẩy tỏ lộ ra bên ngoài. Đặc biệt cuộc chiến thắng của lí trí và khoa học đã hỗ trợ Vô thần hết mình, và niềm tin vào Thiên Chúa xem ra bị Vô thần làm chao đảo. Mà oái ăm thay, chiến thắng lí trí và khoa học kia có được chính là nhờ Ki-tô giáo và Giáo hội.
Thiên Chúa ki-tô giáo không còn đồng nhất với thiên nhiên nữa, và niềm tin vào Người cũng không còn phù hợp với các thần linh thiên nhiên đầy đố kị. Điều này một mặt có nghĩa là thiên nhiên đã hết thiêng, trở thành đối tượng mà ta có thể mặc sức nghiên cứu. Mặt khác, niềm tin vào việc nhập thể của Thiên Chúa lại nâng con người và các khả năng của nó, nghĩa là cả lí trí của nó, lên ngang hàng thiên tính. Chúng ta đã thấy Ki-tô giáo thời Trung cổ mê say lí trí thế nào rồi. Nhưng giờ đây các nhà khoa học Descartes (1596-1650), Pascal (1623-1662) và Newton (1642-1727) trong thế kỉ 17 và 18 mới rút ra nhiều hệ quả từ đó.
Thêm nữa, như Minois nhấn mạnh, công đồng Trento (1545) lại tiếp tục đẩy mạnh tiến trình phân biệt giữa hai phạm trù trần tục và linh thiêng, một sự phân biệt điển hình nơi Ki-tô giáo. Công đồng kêu gọi ki-tô hữu nên dồn tâm vào việc đạo, và đừng để bị cuốn hút bởi chuyện thế gian bề ngoài. Hẳn đây không phải là chủ trương „nhị nguyên“, như Minois nói, nhưng có lẽ nó đã tạo nên một tình trạng như thế.
Dù sao, khoa học „đời“ cứ càng ngày càng độc lập với Ki-tô giáo và dần trở nên xa lạ với nó. Đa số người làm khoa học có tiếng lúc này vẫn là ki-tô hữu, nhưng điều này chẳng ngăn được việc người ta gạt ra rìa tất cả những gì mà quan toà lí trí và sự hoài nghi Descartes không giải quyết được. Ngay trong thế kỉ 16 thỉnh thoảng cũng đã có loại Vô thần chống lại những gì mà người ta tin là thiếu hữu lí. Ở đây, đích bắn không phải là Ki-tô giáo đích thực, nhưng người ta chống lại thứ Ki-tô giáo theo như người ta hiểu. Ngay Leibniz (1646-1716), nhà bác học toàn diện cuối cùng, còn dùng tiến bộ khoa học thời đó để bảo vệ Ki-tô giáo.
Ngoại trừ trường hợp Ga-li-lê [1], một trường hợp mang nhiều yếu tố tâm lí và tuyên truyền và nhất là có dẫn tới nhiều hậu quả, chứ xét chung, quan hệ giữa Giáo hội và khoa học tương đối vẫn hài hoà. Chính giáo chủ Biển-đức XIV (1740-1758) là một trí thức sáng suốt, ngài công khai hâm mộ Newton và thư từ qua lại với ông. Nếu quả thật có chuyện hô hào phải chống lại Ki-tô giáo để theo khoa học, thì vấn đề thường là ở chỗ, có không ít người trong những đám trí thức có học đã không còn hiểu gì về Ki-tô giáo nữa.
Ngay chiều tối hôm trước của cuộc cách mạng Pháp, các đại hội chung của giáo hội Pháp, qua những quyết định rất chi tiết, đã nói lên nhu cầu phải cấp bách đổi mới sự hiểu biết về đạo cho tín hữu. Khi nằm trên giường bệnh chờ chết vào năm 1706, lão bá tước vô thần Gramont nghe bà vợ đọc kinh Lạy Cha, ông thì thào hỏi: „Này bà bá tước, cái kinh đó nghe hay lắm, ai đã viết ra nó vậy?“ Như vậy, Thiên Chúa của người vô thần thời đó chỉ là một hí hoạ, một Vị mà chẳng mấy ai trong đám trí thức còn hiểu rõ, xem ra đó là nhân vật do tầng lớp quyền thế tạo ra để giữ sự tùng phục của dân. Đó là một Thiên Chúa được biểu kiến bởi một số quý tộc giàu sang thiếu đầu óc và tư cách, họ khoác áo giám mục nhưng sống như kẻ vô thần thực tiễn, hoặc ngay như giám mục của giáo phận Lodeve, người đã công khai tuyên xưng mình vô thần.
Ta có thể thấy rõ điều này qua bản Tuyên ngôn của linh mục Meslier, một tài liệu vô thần thế kỉ 18. Đó là bản văn vô thần do một linh mục chánh sở họ đạo nhà quê can đảm để lại cho các đồng nghiệp sau khi chết. Nó sau đó được sao chụp và được lén lút chuyền tay, như thể người ta chuyền phim ảnh khiêu dâm vào đầu thế kỉ 20. Nội dung tài liệu này chỉ toàn những đề tài và chứng lí vô thần mà ta đã biết. Đặc biệt nó xác tín về tính cách đời đời và tự hữu của vật chất và thế giới, cũng như về chuyện tinh thần không bất tử, mà nó rồi cũng sẽ „tan biến vào không khí.“
Bản văn từ đâu mà có? Ông linh mục chánh xứ không cho ta biết điều này. Nhưng nghiên cứu các tài liệu thời đó, ta thấy tổng giám mục de Mailly thuộc Reims là giáo phận của Meslier, là một người tiêu biểu cho thứ quý tộc lố bịch. Tất cả mọi tài liệu liên quan thời đó đều cho thấy, vị tổng giám mục này là một «bạo chúa nóng nẩy“. Năm 1716, bạo chúa cho gọi Meslier, vốn là người siêng năng, tới cảnh cáo về tội không chịu cầu nguyện cho một ông quý tộc đã làm hại nhiều nông dân. Giám mục buộc Meslier phải cầu nguyện. Meslier đành tuân lịnh, và ông cầu cho vị quý tộc kia từ nay đừng hãm hại nông dân và cướp bóc trẻ mồ côi nữa.
Nghe thế, ngài tổng giám mục nổi cơn tam bành, làm nhục vị chánh xứ, bắt ông ngồi chơi xơi nước bốn tuần trong chủng viện và ra biện pháp kiểm soát gắt gao. Meslier cảm thấy nhục nhã, tìm cách trả thù. Và từ biến cố đó, ông âm thầm say sưa viết cho tới ngày chết bản tuyên ngôn vô thần trên. Như đã nói, bản văn chẳng có gì mới. Nhưng nguyên do đưa tới bản văn mới thật đáng nói. Tuyên ngôn của linh mục Meslier không phải là một tuyên ngôn về Vô thần, nhưng trái lại là một tuyên ngôn về tuyên bố của ông.
Ngoài ra, Meslier còn trách Chúa những điều, mà ta vẫn thường nghe phát ra từ miệng của những nhà khai sáng. Tại sao Chúa không tạo dựng tất thảy mọi người đều tốt? Tại sao Người lại để cho sự dữ đi vào thế gian? Và qua cuộc động đất ở Lissabon năm 1755 – một biến cố không những gây đổ nát chết chóc cho Âu châu, mà còn tạo nên một chấn thương tinh thần lớn lên người dân lục địa này – nhiều người tự hỏi, tại sao cả người lành kẻ dữ, cả người lớn lẫn con nít, cả đàn ông lẫn đàn bà lại phải chết bởi một thiên tai như thế? Người ta trách, chỉ có một Thiên Chúa dửng dưng vô tích sự, một Thiên Chúa về hưu của Epikur mà đám khai sáng càng ngày càng ưa thích, mới hành động như thế. Và người ta tự hỏi, một Thiên Chúa như thế có thật là Thiên Chúa không.
Leibniz cho rằng, Thiên Chúa là vị kiến trúc đã dựng nên một thế giới tốt đẹp nhất. Nhưng hình ảnh của Người giờ đây hoàn toàn mâu thuẫn với quan niệm của những người khai sáng về Thiên Chúa. Những người này muốn đi tìm một Thiên Chúa chỉ biết làm lành và lánh dữ, nhưng họ đã không gặp được. Giờ đây, đứng trước sự dữ trong thế giới và trước những hậu quả tàn khốc của thiên tai, người ta lại đặt ra câu hỏi: Phải chăng Thiên Chúa không muốn, hay không có khả năng cản ngăn sự dữ? Phải chăng vị kiến trúc sư tạo hoá này bất lực, hay Người thực chất chỉ là một con quái vật trơ trẽn? Là vì khi người ta có khả năng ngăn chận một sự xấu mà không làm, thì hành vi này cũng đáng lên án như chính kẻ tội phạm. Nhưng chỗ này Khai sáng đã trở thành nạn nhân của chính sự mù tối của họ.
Họ đã dùng phương tiện lí trí con người để nặn ra một Thiên Chúa hợp lí, Người hoạt động như là một kiến trúc sư thế giới và là kẻ bảo vệ trật tự xã hội và quốc gia, và người ta có thể dùng Người làm ông kẹ hù doạ trẻ con, khi chúng bắt nạt các em nhỏ hơn của chúng. Khai sáng đã dựng nên một Thiên Chúa, mà Voltaire đã vì lợi ích của chính ông cho hay, nếu không có vị đó, thì ta phải nặn ra. Nhưng một Thiên Chúa do con người tạo ra như thế quả thật không thể sống sót được. Thiên Chúa đất sét đó sẽ vỡ ngay, khi cuộc động đất đầu tiên xảy ra. Điều này rõ ràng: Thiên Chúa nhân tạo đó hoàn toàn xa lạ với hình ảnh Thiên Chúa của Ki-tô giáo. Nhưng Người cũng được gọi trùng tên, và chính sự lẫn lộn này sẽ đưa tới những hậu quả không lường.
Ngoài ra, Thiên Chúa của người vô thần vào đầu thời Mới là Thiên Chúa đặc biệt của giới cầm quyền, mà với lối sống bất xứng của tầng lớp này, họ đã làm cho Người trở nên thất tín. Cuộc cách mạng Pháp cho thấy rõ ràng, việc chống lại kẻ cầm quyền cũng có nghĩa là chống lại Thiên Chúa. Chính vì để được tự do suy nghĩ các vấn đề tôn giáo, người ta đã muốn thoát ra khỏi áp lực của Giáo hội, của nhà nước và của xã hội. Nhu cầu này kể ra hợp lí, ngay cả đứng về mặt tôn giáo. Vì vậy, gọi những người vô thần thời này là những người đòi thả lỏng suy tư (Freidenker) có lẽ đúng hơn, là vì họ chọn Vô thần hoàn toàn không phải vì xác tín chống Thiên Chúa, mà đó là một phản kháng nhằm đòi hỏi: „Xin quý vị hãy để cho chúng tôi tự do tư tưởng“ (Schiller, Don Carlos).
Tiến bộ khoa học càng ngày càng cảm thấy dị ứng với „Thiên Chúa“. Quả thật khó, khi một đàng nghĩ thiên nhiên là một cái đồng hồ đã lên dây, nó vận hành theo định luật tất định, mỗi một biến cố phải xẩy ra một cách tất yếu, trong lúc đó lại phải chấp nhận một Thiên Chúa bất định, Người chẳng hành động theo luật lệ gì cả, thỉnh thoảng lại làm cho đồng hồ rối loạn lên. Hai lối nhìn này khó có thể dung hợp. Vì thế ở đây, quan niệm Thiên Chúa về hưu của Epikur hữu lí và dễ được chấp nhận hơn; và vì vậy mà các nhà khai sáng trong thế kỉ 18 hầu hết theo thuyết Hữu thần. Nghĩa là họ giới thiệu với thiên hạ Thiên Chúa của họ như một chú khuyển già, to tướng nhưng không còn khả năng cắn vì đã rụng hết răng, rồi ôn tồn: „Đừng sợ, nó không răng mô!“
Họ giao cho Thiên Chúa vô thưởng vô phạt này một công tác đời sau, đó là lo chuẩn bị chỗ ở bất tử cho họ, nghĩa là cho các ông bà khai sáng hãnh tiến với lí trí của họ. Vì lo sợ phải rơi vào hư vô tuyệt đối, nên họ nghĩ tới bất tử để hòng tự trấn an mình. Nhưng Thiên Chúa bé nhỏ của các ông bà „tiểu vô thần“ đã không thể sống sót được qua thế kỉ 18 đầy máu và nước mắt. Tất cả những gì còn lại của Vô thần thời Khai sáng, của chiến thắng lí trí và chiến thắng con người chống lại Thiên Chúa, cuối cùng chỉ là sự bi quan vô bờ. Cuộc sống vô nghĩa, chỉ có chết, và còn lại là Hư vô.
Như đoạn nhạc kết thúc trước khi xẩy ra cuộc tắm máu lí trí, hầu tước de Sade, cha đẻ của một môn học cá biệt về tình dục cùng tên, đã tuyên bố trên công trường Concorde ở Paris: Trong một thiên nhiên tất định không những không thể có tự do thiên chúa, mà cũng không thể có tự do con người, cũng không thể có đạo đức và tội lỗi, mà chỉ và chỉ có thiên nhiên mà thôi, và thiên nhiên sẽ man rợ. Theo nghĩa của de Sade này, thì lời hô hào „Trở về với thiên nhiên“ cũng hoàn toàn đồng nghĩa với „Trở về với man rợ“. Đó là sự lên tiếng của Siêu nhân của Nietzsche, nhưng với một kiểu nói đồi bại hơn: Một siêu nhân tự thoả thuê thần thánh mình bằng đau đớn của nạn nhân nó.
Vô thần của thế kỉ 19 chỉ là cơm thừa canh cặn của thế kỉ trước nó, chẳng có gì đáng nói. Sau khi Chế độ cũ (Ancien Regime = chế độ quân chủ) cáo chung, Ki-tô giáo phần nào đã phải tổ chức lại cơ cấu và nó đã vượt qua được khủng hoảng đó, và giờ đây lại lớn mạnh trở lại. Vô thần cũng vượt qua được những rào cản trước đây để vùng lên đối đầu với Ki-tô giáo. Nhưng toàn bộ cuộc đấu tranh chỉ còn lại ở tầm mức Don Camillo và Peppone.
Những lí luận trí thức của Ludwig Feuerbach, như đã thấy, cũng chẳng còn hiệu lực. Mà rồi đây người ta đâu cần gì lí luận nữa, là vì Vô thần đã trở thành đại chúng hoá. Nó được nhận vào thiên đường cộng sản và xã hội chủ nghĩa như là một phần của í thức hệ chính trị hoặc ồn ào kéo bè kéo cánh vào trú ngụ trong phong trào đang hình thành của những người đòi tự do tư tưởng. Anatole France, một người vô thần công khai, đã thở dài về những người này: „Họ suy nghĩ như chúng ta… Họ có những tư tưởng tiến bộ của chúng ta. Nhưng tốt hơn, đừng nên gặp họ.“
Bao lâu còn có Hội đoàn, còn có thư kí, thủ quỹ, chủ tịch, bấy lâu thế giới còn ổn định, và mối lo sợ Hư vô còn nhạt nhoà đi trong chai bia cốc rượu của những buổi họp hội. Nhưng rượu vào thì lời ra: „Kẻ thù là Thiên Chúa. Khởi đầu của minh triết là lòng thù hận Thiên Chúa“, đó là câu đọc được trong tờ lá cải vô thần La libre pensée vào năm 1870. Cũng trong tháng đó, xuất hiện trên tờ L´atée: „Người ta phải quyết định giữa Thiên Chúa hay vật chất!“ Gọi là tư tưởng tự do (libre pensée), nhưng chẳng thấy tự do ấy ở đâu cả trong cơn lên đồng của họ.
Người ta tổ chức những màn kịch con nít đầy phạm thượng, chẳng hạn như vào năm 1868 với vở Bữa tiệc li để ăn mừng cái chết của Thiên Chúa, và hôm đó Gustave Flaubert có tham dự. Năm 1895 ở Paris người ta đóng đinh một con lợn sữa để ăn mừng Vô thần. Thiên Chúa của những người vô thần này cũng giống như Thiên Chúa đá banh của đội đối phương trong giải túc cầu thế giới. Cái lối say sưa la hét bịp bợm đến mù quáng như thế chẳng còn lôi cuốn được ai. Bởi vì chẳng ai còn lạ gì: Tin là chuyện khó, nhưng không tin và sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của nó hẳn còn khó hơn. Về sau, Jean Paul Sartre có nói: «Không phải ai cũng là người vô thần như họ muốn.“
6. CON TRAI ÔNG MỤC SƯ GIỀT THIÊN CHÚA
Nhưng thế kỉ 19 cũng là thời điểm chứng kiến một sự ngờ vực niềm tin vào Thiên Chúa nghiêm trọng nhất từ xưa tới nay. Ngay từ đầu thế kỉ, thi sĩ người Đức Jean Paul dùng miệng những người chết đang chờ được cứu rỗi nơi nghĩa trang hỏi Chúa Ki-tô: „Này đức Ki-tô, Ngài không phải là Thiên Chúa?“. Chúa Ki-tô trả lời: „Không ai là Thiên Chúa cả. Tất cả chúng ta, tôi và các bạn, đều là mồ côi cả, chúng ta không có cha.“ Jean Paul mô tả sự sợ hãi hoảng hốt của những người vô thần đích thực trước cảnh Hư vô. Chính ông, nhờ cái sợ đó, đã tìm được tới Thiên Chúa.
Nhưng vào cuối thế kỉ, con trai một ông mục sư quản xứ đã vẽ lên một con đường triệt để dẫn tới Hư vô, và anh ta cũng đã bước theo con đường đó. Người con trai này mang tên Friedrich Nietzsche (1844-1900), thủa nhỏ rất mực đạo đức. Lên 18 tuổi, cậu bắt đầu ngờ vực đức tin, và ngờ vực này đã sớm trở thành cực đoan, nghi ngờ luôn cả chính Thiên Chúa. Nietzsche không như Feuerbach cắt nghĩa về nguồn gốc đức tin. Anh vào thẳng vấn đề. Anh bước vào Vô thần với một trí tuệ thực tiễn và một con tim nồng nàn nhựa sống. Anh không đi với ai, không chạy theo ai, chẳng lập ra phong trào hay hội đoàn nào. Nhưng những nhát búa của Nietzsche đập vỡ cái Vô thần hội đoàn mù quáng, đám này tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người, nhưng thật ra bì bõm dưới sình với những cái nhìn và tiên kiến cũ rích và hâm đi hâm lại. Một đoạn nổi tiếng trong Fröhliche Wissenschaft (Khoa học tươi vui), qua đó Nietzsche mượn „kẻ ngông cuồng“ lên tiếng:
„Hắn la lên, Thiên Chúa đi đâu? Ta muốn nói cho các ngươi hay! Chúng ta – các ngươi và ta – đã giết Người! Tất cả chúng ta là kẻ sát nhân của Người! Nhưng chúng ta đã hành động như thế nào? … Chúng ta chẳng nghe gì cả tiếng ồn ào của đám nhà đòn đang chôn Thiên Chúa ư? Chúng ta chẳng ngửi thấy gì cả mùi xác rữa của Thiên Chúa ư? – Cả các thần linh cũng thối rữa! Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ chết mãi! Và chúng ta đã giết Người! Chúng ta, kẻ sát nhân của mọi kẻ sát nhân, làm sao an ủi nhau đây? Cái linh thiêng và uy lực nhất, mà trần gian có cho tới nay, đã bị đổ máu vì những lát dao của chúng ta, – ai sẽ lau máu này khỏi chúng ta? Chúng ta có thể lấy nước gì để tẩy sạch con người chúng ta? Chúng ta còn phải tạo ra những lễ hội tội lỗi, những trò chơi linh thiêng nào nữa? Phải chăng sự lớn lao của hành động đó quá lớn đối với chúng ta? Phải chăng chính chúng ta phải trở thành thần linh, để may ra xứng đáng với họ?“
[1] Ga-li-lê: 1564-1642, nhà toán học, vật lí và thiên văn người Í. Ông đã tạo ra một mâu thuẫn lớn với Giáo hội ki-tô giáo thời đó khi công khai cổ vũ cho thuyết Quả đất xoay quanh Mặt trời. Ông coi thuyết này là chân lí, trong khi Giáo hội yêu cầu ông cứ chấp nhận nó như một giả thuyết và đừng tiếp tục viết sách công khai cổ xuý cho thuyết đó. Vì đã không tuân giữ lời hứa về chuyện thôi viết sách, cuối cùng ông đã bị Giáo hội cấm viết và bị quản thúc tại gia.
Với tư tưởng đó, Nietzsche muốn vươn tới „siêu nhân“, là kẻ „vượt ra khỏi sự thiện ác“, là ông khổng lồ với „í chí quyền lực“, chẳng còn chịu sự luận phạt của – bất cứ – một ai. Nhiều thành viên Quốc-xã về sau đã nương theo Nietzsche tung hô Hitler của họ là „siêu nhân“. Nhưng cái kinh khủng của tư tưởng „siêu nhân“ là: Tư tưởng này dẫn tới những hậu quả kinh hoàng. Sau „cái chết của Thiên Chúa“ thì xã hội sẽ như quân Hồi vô lệnh, mọi chuyện đều được phép làm. Sau khi Chúa chết và hết luân lí đạo đức, thì kẻ mạnh, kẻ được giải thoát khỏi mọi ràng buộc kẻ khác, sẽ lên ngôi chúa tể, sẽ chẳng còn ai có quyền trên nó nữa, không thể khác đi được! Và rồi những cấm cản của tôn giáo, từ hàng ngàn năm nay vẫn là hàng rào bảo vệ cho kẻ yếu, chẳng còn được chấp nhận nữa.
Như vậy, Thiên Chúa, vị mà ông vô thần Nietzsche chối bỏ, chính lại là Thiên Chúa ki-tô giáo. Nhưng Thiên Chúa này chủ yếu là phó sản của Calvin, chỉ biết có cấm đoán đạo đức khắt khe, chỉ là kẻ nghịch đời và đôi khi nghịch lại tự do, là thứ Thiên Chúa mà sau này Max Weber coi là cha đẻ tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Về sau, Nietzsche có suy nghĩ lại: „Thật ra chỉ muốn chống lại thứ Thiên Chúa đạo đức.“ Và ông đã chẳng bao giờ đụng đến những bộ mặt khác của Thiên Chúa ki-tô giáo. Ta phải quan tâm đặc biệt tới Nietzsche, là vì, không như các nhà tư tưởng vô thần đi trước, Nietzsche không bao giờ bỏ gánh giữa đường, không bao giờ chấp nhận thoả hiệp để tự trấn an, trái lại ông nhất quyết đi cho tới cùng con đường đã chọn – đi cho tới tận cùng Hư vô.
Theo Thiên Chúa hay theo Nietzsche, có lẽ đây thật sự là một chọn lựa. Nhưng một khi đã theo Nietzsche, thì cũng phải sẵn sàng uống cạn chén đắng vô thần. Và như vậy, ta chẳng còn lí do gì để chống lại thứ quyền lực trắng trợn của một Hitler, một Stalin hay một Mao Trạch Đông, những kẻ đã hi sinh hàng triệu con người cho tham vọng thần thánh hoá của họ. Ba tay này không phải là loại người thất bại trong một thế giới không có Thiên Chúa. Stalin và Mao đã giết trên 20 triệu người yếu đuối trong tình trạng hoàn toàn í thức và lúc đang ở trên chóp đỉnh quyền lực, và đã chết an nhiên trên giường.
Cả Hitler cũng đã ra lệnh giết một số lượng người không kém, và đã chẳng có dấu hiệu hối hận nào khi chết bên đám quần thần bợ đỡ, vẫn không ngớt xưng tụng i là chúa tể của họ và của dân tộc họ. Mọi lí chứng „đạo đức“ chống lại những thứ „siêu nhân“ đó, đã bị Nietzsche – có lẽ hơi buồn nhưng bất chấp – lấy đi khỏi những người vô thần triệt để. Sau Nietzsche, nếu muốn là Vô thần thực sự, thì chỉ còn lại thứ Vô thần triệt để, sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả. Giờ đây là lúc mỗi người có thể và phải tự chọn cho mình một quyết định.
Cái mạnh của Nietzsche là ở chỗ ông không ngồi đó để nặn ra những lí thuyết vô thần thiếu sức sống. Theo lời bà Lou Andreas-Salome, người thực sự yêu ông, thì Nietzsche là người bị dằn vặt đau khổ về tôn giáo, ông đau cái Vô thần của mình và quyết tâm đi, không phải là không có những lúc hoài nghi, cho đến cùng tận Hư vô sâu thẳm. Heidegger nói về Nietzsche, có lẽ đó là một nhà tư tưởng đã thực sự gào lên lời kinh Từ vực sâu. Ca Vịnh 130 này khởi đầu bằng câu: „Từ vực sâu con kêu lên Chúa, Chúa ơi, xin hãy lắng nghe lời con…“ Và nhà thi sĩ lớn Nietzsche đã có thể chuyển niềm đau đó ra thành những lời cảm động trong bài thơ Cô Đơn, những lời toát lên từ nỗi đau thực sự và có liên hệ mật thiết với cuộc sống của ông. Tạo dựng là đớn đau, điều này cũng đã được Michelangelo diễn tả ra bằng chính kinh nghiệm riêng của ông qua cái vẫy tay đau đớn phân rẽ ánh sáng và bóng tối của Thiên Chúa Tạo Dựng trên trần nhà nguyện Sixtin. Lời thơ hay luôn chất chứa kinh nghiệm thật:
Quạ kêu
Và nhốn nháo bay về thành phố:
Trời sắp đổ tuyết. -
Hạnh phúc cho ai đang còn có – quê hương!
Giờ đây mày đơ đơ đứng đó,
Ngoảnh lại phía sau, ờ! Đã bao lâu rồi nhỉ?
Này thằng hề
Mày muốn trốn vào thế giới để tránh mùa đông?
Thế giới – một cánh cửa
Dẫn vào hàng ngàn sa mạc thầm câm và lạnh lẽo!
Ai mất cửa đó,
Cái mày đánh mất, sẽ chẳng dừng lại nơi đâu cả.
Giờ đây mày đứng đó tái ngoét,
Bị sa vào kiếp lang thang mùa đông,
Cũng giống như khói,
Chỉ tìm tới những bầu trời lạnh hơn.
Bay đi, chim, hãy cất lên
Bài ca của mày trong thanh âm của loài chim sa mạc! -
Này thằng hề,
Hãy dấu trái tim rỉ máu của mày trong băng tuyết và trong diễu cợt!
Quạ kêu
Và nhốn nháo bay về thành phố:
Trời sắp đổ tuyết -
Đau đớn cho người không có quê hương!
Năm 1900 Nietzsche mất vì bệnh lậu ở giai đoạn cuối, bệnh làm cho thân thể, đặc biệt óc, bị bại liệt từ từ, thời đó chưa có thuốc chữa. Một số nhà biện giải ki-tô giáo năng nỗ muốn gán cho đó là hậu quả của những tư tưởng quá quắt của ông. Tôi cho nhận định này là vô lễ. Nó tầm thường hoá sự dữ, và hơn nữa, nếu ta coi Hitler, Stalin, Mao hay những bạo chúa khác đều là người tâm bệnh, thì đó sẽ là một sự kì thị đối với những bệnh nhân tâm thần. Mặt khác, nếu ta đơn giản bảo Nietzsche là “điên rồ”, ta sẽ không hiểu được sự nghiêm túc và trí tuệ mà ông bỏ ra cả đời để vật lộn với Thiên Chúa.
Về nhân vật Machiavelli (1469-1527, chính trị gia và triết gia người Í, chủ trương lối cai trị bá đạo. ND) người ta không hiểu ông thật sự muốn khuyên các nhà lãnh đạo chính trị phải bất nhân như thế kia, hay ông đã chỉ phản ảnh lại quan niệm thời đó và bảo: Đấy, chúng mày là thế đấy! Nhưng về Nietzsche, nếu muốn, thì cả người vô thần lẫn kẻ tin cũng có thể đọc ông để xét mình. Ngày nay, nếu muốn vô thần thật sự, thì phải tự hỏi, mình có sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả triệt để, mà Nietzsche đã nói lên một cách rõ ràng không, hay muốn chỉ là thứ cọp giấy vô thần mua vui thiên hạ. Ngược lại, nếu muốn là một người tân tiến có đức tin, thì nếu cần, phải dùng tư tưởng triệt để của Nietzsche để thử thách niềm tin Thiên Chúa của mình.
7. TAI NẠN KHỦNG KHIẾP TRONG ĐỀN HƯ VÔ
Nietzsche là một điểm kết thúc. Là vì khi ông mất vào ngày 25 tháng 8 năm 1900, thì không lâu sau đó, một tai nạn khủng khiếp về mặt luận lí đối với Vô thần đã bất ngờ xẩy ra. Chỉ 4 tháng sau, ngày 14 tháng 12 năm 1900, nhà vật lí người Đức Max Planck (1858-1947) giới thiệu thuyết Lượng tử (Quantentheorie) của ông tại Hội Vật Lí Đức Quốc ở Berlin. Thuyết này một sớm một chiều phá đổ vũ trụ quan của khoa học tự nhiên cũ và đẩy Vô thần vào hậu trường sân khấu. Thoát chốc mọi người đều tỏ: thiên nhiên không vận hành theo định luật tất định và luôn luôn bất biến, nhưng nó rốt cuộc cũng chỉ là những xác xuất thống kê. Những biến cố bất ngờ luôn có thể xẩy ra; chúng xẩy ra như những kẻ đào ngũ bất định, nhưng chúng hoàn toàn không “đi ngược lại định luật thiên nhiên”, trái với điều người ta trước đây vẫn nghĩ. 2271 năm sau Demokrit, luận chứng của Vô thần có từ 2000 năm nay bị đổ cái rụp.
Bỗng chốc, chẳng còn ai có thể nại lí do là vì vũ trụ này đã có quy luật vận hành bất biến của nó rồi và nó không thể để xẩy ra những biến cố biệt lệ, để phủ nhận được sự hiện hữu của một Thiên Chúa vẫn tiếp tục tác động vào tạo dựng của Người. Chuyện Chúa về trời có thật không? Năm 1963 nhà vật lí lượng tử Pascual Jordan xác quyết: cái đó vẫn là chuyện của đức tin, nhưng không ai còn có thể nói được, là căn cứ vào định luật tự nhiên biến cố đó không thể xẩy ra được. Xét về mặt lượng tử, người ta có thể nói rằng, điều đó khó xảy ra, nhưng không thể không xẩy ra dưới dạng một trường hợp biệt lệ. Điều này không phá “định luật tự nhiên” nào cả. Người ta cũng có thể thử giải thích toàn bộ trường hợp này bằng thuyết Tương đối: khối lượng đột ngột chuyển thành năng lượng.
Chỉ năm năm sau Max Planck, với thuyết Tương đối chuyên biệt, Albert Einstein đã giải thích sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng. Ngoài ra năm 1915, với thuyết Tương đối đại cương, Einstein đã dùng tư tưởng không gian cong để chứng minh khả năng hiện hữu của một không gian vô tận nhưng có kết thúc. Những kiến thức này đã giáng lên Demokrit đòn chí tử thứ hai: Chủ trương vật chất – một chủ trương cho rằng tất cả mọi hữu thể đều được cấu thành bởi các nguyên tử mà thôi – ngoài ra không còn gì cả – đã không còn đứng vững được nữa trong hình thái cổ điển của nó. Các tay vô thần khôn ngoan đã hiểu ra ngay vấn đề: Nhiều năm dài cuốn Đại Bách Khoa Toàn Thư của Liên-xô đã chẳng đề cập một chút gì về thuyết Lượng tử cả.
Chỉ những ai quan tâm theo dõi lịch sử Vô thần từ đầu chí cuối mới nhận ra mức độ khủng khiếp của hai khám phá trên đây đối với lâu đài lí luận của Vô thần. Hàng bao nhiêu thế kỉ nay, Vô thần cứ đưa những lí luận kia ra như một loại thần chú chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa. Giờ đùng một cái, các lí luận đó sụp đổ tan tành, chúng biến mất mãi mãi.
Về sau, còn có thuyết Nổ uyên nguyên (Big Bang) sẽ chôn vùi xác tín của Vô thần cho rằng vũ trụ không có khởi đầu. Và, sau nhiều cuộc đàn áp tôn giáo do nhà nước thực hiện trong thế kỉ 19, đến việc sụp đổ vào năm 1918 của những liên minh khó khăn cuối cùng giữa thần quyền và thế quyền, thì Vô thần mất luôn lí lẽ tâm lí mà họ đã sử dụng bao nhiêu thế kỉ qua, đó là: Không thể chấp nhận sự ra lệnh của nhà nước hay của Giáo hội về chuyện tôn giáo. Vô thần như là một thứ chống lại “quyền lực bên trên” và như là biểu hiện của đòi hỏi được tự do tư tưởng từ đây mất quê hương. Giờ đây, họ lại quay mũi dùi chống đối vào phẩm trật nam giới của Công giáo và vào một “đức thánh cha”; cái này thì không thể giải thích được bằng tâm lí, may ra có thể bằng tâm bệnh lí.
Chỉ còn lại một lí lẽ của Vô thần truyền thống, đó là kinh nghiệm về sự rữa nát thân xác. Nhưng cái này thì giờ đây các ông bà vô thần cũng ớn sợ. Vì thế mà bộ chính trị ở Moskau đã tốn bao nhiêu son phấn để làm đẹp cho mấy cái xác chết nằm trong hòm mở nắp, khiến mấy lão ông trong bộ chính trị còn sống đứng sắp hàng hai bên hòm cũng phải ghen tị với nước da người chết. Trong khi đó, Shakespeare nói lên quan điểm ngược lại, khi ông viết trong Macbeth: Đời người là “một chiếc bóng đổi thay; một diễn viên hài kịch đáng thương, đang dạng chân nghiến răng cho hết giờ của mình trên sân khấu’, và rồi chẳng còn ai cần đến nữa: đó là một câu chuyện thần thoại được kể bởi một thằng ngu, nghe ra rình rang và tức giận, nhưng chẳng có nghĩa gì cả”.
Tang lễ đình đám tiễn đưa các lãnh tụ Liên-xô, vùng đất vô thần mặc sức dùng mạng người để thí nghiệm với những hậu quả thê thảm, nghịch lí thay, lại là một cuộc trốn chạy – do nhà nước vô thần tổ chức – khỏi cái động cơ cuối cùng còn lại của Vô thần, và nhất là khỏi những hậu quả không thể tránh mà Nietzsche đã rút ra. Những tang lễ này cố tạo ra vẻ cổ xưa, nhưng xem ra cứng đơ như những nghi thức cũ mèm hàng trăm năm của mấy tôn giáo đã mất hết nhựa sống. Tuy nhiên tất cả những nghi thức đó thật ra chỉ là bắt chước đồ cổ một cách giả tạo.
Chúng cũng giống như mấy cái đèn “cổ” xinh xinh được bày bán trong các tiệm đồ cổ ở Firenze, nhưng may mà gặp được ông chủ thật thà cho biết, chúng cũng chỉ ngang tuổi mẹ của ông mà thôi, và bà năm nay mới có 90 tuổi… Dù sao thì Liên-xô này, một cánh hoa vô thần nở muộn bệnh hoạn, đã chết già vào năm 1991 ở tuổi 74. Và í thức hệ mác-xít, chất nuôi sống cánh hoa “chủ nghĩa xã hội hiện thực”, đã cùng rữa theo như một xác ướp lâu ngày gặp phải không khí.
Tất cả những điều trên xem ra quá tải đối với Vô thần, và không phải không có lí do mà thế kỉ 20 đã chứng kiến cảnh hấp hối của chủ nghĩa Vô thần hiện thực. Cho tới lúc đó, bộ máy vô thần hoạt động được, là nhờ có thể lấy xăng từ tiến bộ khoa học. Nhưng cũng chính tiến bộ đó giờ đây đã làm nổ tung toàn bộ hệ thống dẫn dầu cho họ.
Cuộc sống Vô thần mất đi cái đà đã có cho tới lúc đó. Georges Minois viết: “Đối diện với sự vắng bóng Thiên Chúa, mỗi người trong họ phản ứng mỗi cách tuỳ theo tâm tánh, nhưng có thể nói rằng, đa số trong họ chẳng sung sướng gì. Khoa học đã mang ác mộng không lối thoát tới cho con người.” Và nhà sinh vật Jacques Monod thì bảo rằng, người ta chẳng còn lại gì ngoài việc ôm nỗi sợ vào mình. Ngay Minois cũng thú nhận sự sụp đổ của hệ thống tổ chức Vô thần, nó teo lại thành từng nhóm nhỏ mang tính chất giáo phái, làm ta liên tưởng tới các nhóm ái hữu văn hoá dân gian, chuyên ngồi tán gẫu với nhau về những chuyện cổ trái mùa.
Friedrich Nietzsche đã thấy trước được cuộc sống vắng Thiên Chúa tầm thường đó và đã khinh miệt nó: “Và rồi trái đất nhỏ lại, và trên đó còn lại chú người cuối cùng đang nhảy múa, chú này làm cho mọi sự thành ra nhỏ… Họ từ bỏ những vùng khó sống: vì họ cần hơi ấm. Họ yêu người bên cạnh và bám lấy nó: vì họ cần hơi ấm… Thỉnh thoảng cần một chút thuốc độc, để có được những cơn mơ nhẹ nhàng. Và cuối cùng nhiều thuốc độc, để được chết nhẹ nhàng… Họ còn làm việc, vì việc làm là một thứ chuyện trò. Nhưng họ cố làm sao cho chuyện trò đừng trở nên tấn công nhau… Họ khôn ngoan và biết tất cả những gì xẩy ra: vì thế họ chẳng phải giễu cợt cái chết nào cả. Họ còn xích mích nhau, nhưng lại sớm làm hoà với nhau – nếu không thì thấy khó chịu trong bụng. Họ ăn chơi một chút trong ngày và ăn chơi một chút trong đêm: nhưng lại đề cao sức khoẻ. ‘Chúng tôi đã tìm thấy hạnh phúc’ – những người cuối cùng nói thế và nháy mắt với nhau.”
Trong điêu tàn đổ nát của Vô thần chỉ còn lại mỗi một mình Nietzsche lành lặn với cuộc phản kháng tuyệt diệu của ông. Lành lặn, không phải vì ông là người cung cấp cho Vô thần những biện minh, mà một
số đầu óc kém hơn đã nương vào đó để sống và nay thì những biện minh đó cũng đã hết thời. Mà vì những hậu quả rõ ràng mà ông đã rút ra từ thứ Vô thần triệt để của mình.Đa số bà con đã không thực sự hiểu được, tại sao toà nhà Vô thần sụp đổ. Họ nháy mắt nhau, như con người cuối cùng của Nietzsche trong Fröhliche Wissenschaft, rồi hè kéo nhau chạy lên đống đổ nát đó. Họ lượm những mảnh vụn của ngôi đền Hư vô cổ xưa, đẽo đục thành những tấm bùa hộ mệnh. Một khi đã không tin gì nữa cả, thì người ta đâm ra tin đủ thứ. Lúc này không còn là thời đại của Vô thần, nhưng là thời của nỗi hoang mang bao trùm, của sự kiếm tìm khiến người ta sẵn sàng mau chóng tin đủ mọi thứ, nhưng có lẽ chỉ tin một phần những thứ ấy và chỉ kéo dài một thời gian nào đó thôi. Đàng sau tất cả những thứ ấy, câu hỏi lớn về Thiên Chúa chưa bao giờ lộ diện rõ ràng hơn lúc này. Nhưng nó xem ra quá lớn, khiến con người sợ đặt ra, và nhất là sợ không biết có tìm được câu trả lời ở đâu không.
Thiên Chúa của các nhà vô thần chỉ là một cấu trúc, và Người được khoác cho bộ mặt khác nhau tuỳ theo nhu cầu thời đại. Từ bộ mặt buồn cười của Cổ thời ngoại giáo, qua kẻ ngăn cản khoa học và tự do, cho tới ông tay sai cứng đầu của uy quyền nhà nước và giáo hội. Thiên chúa này đã bị chết ngộp bởi các biến cố tinh thần và chính trị của thế kỉ 20. Nhưng đó không phải là Thiên Chúa thật.
Tại sao như thế? Nhà văn kiêm thi sĩ Victor Hugo, người tự cho mình không thuộc một tôn giáo nào, đã trả lời một cách tiên tri câu hỏi này trong tập Les Misérables (Những kẻ khốn cùng) của ông: “Người vô thần tin nhiều hơn họ nghĩ. Phủ nhận, trên căn bản, là một hình thái bực dọc của chấp nhận. Những chỗ nứt vỡ minh chứng cho phẩm chất của bức tường. Nhưng dù sao, phủ nhận cũng không có nghĩa là đập phá. Những chỗ nứt vỡ, mà Vô thần đánh vào làm vang lên mãi, cũng giống như những vết thương do quả bom đánh xuống trên mặt biển. Tất cả rồi lại liền kín lại và lại tiếp tục loang ra.”
Và văn sĩ người Nga Dostojewski đã nói:
“Người vô thần hoàn hảo là kẻ đang đứng trên chóp thang, ở bậc áp chót, trước khi bước lên bậc tin hoàn toàn.”