Cuộc đời Thánh Cả Giuse
Nguyên tác: The Life of Saint Joseph
Tác giả: Maria Cecilia Baij, OSB
Dịch giả: Matthias M. Ngọc Đính, CMC
2. Trẻ Giuse chào đời, chiu cắt bì, và biết sử dụng lý trí
Gần đến ngày trẻ Giuse chào đời, bà thân mẫu đã chuẩn bị bằng những lời cầu nguyện sốt sắng. Thế rồi ngày trọng đại cũng đến, và bà đã sinh hạ trẻ Giuse một cách dễ dàng. Cuộc sinh hạ không những đem lại cho bà, mà cả những phụ nữ phụ giúp, một nguồn an ủi rất lớn lao. Hài nhi có một thần thái như thiên thần, uy nghi và an tĩnh. Mặc dù nói chung đặc điểm của các trẻ sơ sinh khó mà nhận dạng được, nhưng ở trẻ Giuse, các đặc điểm ấy rất rõ rệt, và ngay lúc bấy giờ, chỉ nhìn vào con trẻ, mọi người đều cảm thấy một niềm hứng khởi cho tâm hồn. 10
Khi thấy hài nhi của mình có một thần thái cao quý như thế, hai ông bà càng vững tin hơn nữa vào những điều sứ thần đã tỏ ra. Sau khi đã hoàn tất các việc cần thiết của một phụ nữ sinh con, bà Rachel bồng hài nhi bé bỏng trên tay, cám tạ Thiên Chúa vì cuộc sinh nở tốt đẹp, và dâng con cho Chúa, với ước nguyện con trẻ sau này sẽ phụng sự Thiên Chúa trong đền thờ Jerusalem. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tiền định cho Thánh Cả Giuse làm người bảo vệ đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, tức là Thánh Mẫu của Ngôi Lời Thiên Chúa.
Chắc hẳn Đấng Tối Cao đã chấp nhận ước nguyện và lễ dâng của người mẹ ấy, và mặc dù không để bà được thỏa nguyện nhìn thấy trẻ Giuse sau này trở nên một tư tế trong Đền Thờ, nhưng Thiên Chúa muốn như vậy vì Người đã an bài cho trẻ Giuse một nhiệm vụ còn cao trọng hơn nhiều. Tin báo về sự kiện con trẻ chào đời và những việc ngoại thường đi liền với sự kiện ấy đã được loan truyền khắp xứ Nazareth. Theo tin ấy, dường như con trẻ này là một thiên thần đích thực của Thiên Đàng, 11 và ai nấy đều hân hoan về các điều được nghe biết. 12 Ba ngôi sao một lần nữa lại xuất hiện trên nơi trẻ Giuse được sinh ra, người ta được nhìn thấy và rất kinh ngạc; tuy nhiên, các ngôi sao đã biến mất ngay sau đó. Trẻ Giuse hé mở đôi mắt dễ thương, hướng thẳng lên trời và chăm chú nhìn các ngôi sao ấy một lúc, cố sức biểu lộ sự ngỡ ngàng trước dấu chỉ lạ thường Thiên Chúa đã ban cho trần gian trong ngày chào đời của mình.
Con trẻ tỏ ra rất ngoan ngoãn. Thật là một phúc lành cho cha mẹ trẻ Giuse, đặc biệt là bà mẹ, người nuôi dưỡng con trẻ trong niềm vui sướng và sự ân cần. Ngay từ giai đoạn sơ sinh trong cuộc đời dương thế, trẻ Giuse đã không để cho ai đến gần và âu yếm mình như trong trường hợp các con trẻ khác. Ngay ở độ tuổi thơ ấu, trẻ Giuse đã tỏ dấu sau này sẽ quyết tâm giữ trọn vẻ đẹp và sự tinh tấn của đức thanh khiết. Chỉ có cha mẹ mới được biểu lộ tình cảm tha thiết với trẻ Giuse; nhưng hai vị vẫn hết sức dè giữ vì thường nhìn thấy con trẻ tránh lánh những cử chỉ thân mật âu yếm.
Tám ngày sau khi con trẻ chào đời, cha mẹ đã cho con trẻ cắt bì theo đúng qui định Lề Luật và tập tục Do Thái, và con trẻ đã được nhận tên “Giuse”. Lúc đầu, trẻ Giuse đã khóc thét lên khi được cắt bì, nhưng sau đó đã nín lặng, bởi vì trong số vô vàn ân huệ 13 được ban xuống lúc ấy, Thiên Chúa đã cho con trẻ được gia tăng khả năng sử dụng lý trí. 14 Vốn đã được sống trong ân sủng và tình thân với Thiên Chúa, nên trẻ Giuse có khả năng đón nhận các ân huệ ấy; trước đó, con trẻ đã được giải thoát khỏi vết nhơ nguyên tội, vì nguyên sự hiện diện của nguyên tội tự bản chất cũng đã làm cho người ta mất lòng Thiên Chúa. 15 Trẻ Giuse thờ lạy Thiên Chúa với mức độ cung kính sâu xa nhất, cái đầu nhỏ bé đã nhiều lần cúi gập xuống và gương mặt toát ra một thần thái hạnh phúc.
Một nụ cười uy nghi thường biểu lộ trên khuôn mặt của con trẻ. Bằng cách đó, trẻ Giuse đã biểu lộ niềm hân hoan sung sướng của linh hồn mình. Trẻ Giuse ý thức các phúc lành và ân điển Thiên Chúa ban, sốt sắng cảm tạ về những điều ấy, và dâng hiến toàn thân cho Người. Ngoài một thiên thần bản mệnh như mọi người, 16 trẻ Giuse còn có thêm một thiên thần khác nữa được Thiên Chúa chỉ định, vị này có nhiệm vụ giao tiếp với Ngài trong những giấc mơ, đồng thời hướng dẫn Ngài trong tất cả những điều cần thiết để Ngài càng ngày càng trở nên đẹp lòng Thiên Chúa hơn.
Như vậy, ngay từ độ tuổi thơ nhi, trẻ Giuse đã biết sử dụng lý trí để gia tăng kiến thức về Thiên Chúa và tạ ơn Người. Ngài biết ơn Thiên Chúa đã tỏ lòng yêu thương đặc biệt và đã hết sức nhẫn nại trước hoàn cảnh hiện thời của Ngài với những điều ngượng ngùng và chưa đẹp. Thiên thần thường mời gọi trẻ Giuse dâng lên Thiên Chúa sự khổ tâm Ngài đang chịu trong giai đoạn thơ nhi, 17 và Ngài đã làm theo để tạ ơn lòng thương xót Thiên Chúa hằng tỏ ra với Ngài. Thiên Chúa rất thỏa lòng trước những hành vi hy sinh của trẻ Giuse.
Ngay vào thời gian ấy, trẻ Giuse đã nhận ra Thiên Chúa đang bị các thụ tạo của Người xúc phạm nặng nề; vì thế, trẻ Giuse thường khóc lóc, nhưng rất kín đáo để khỏi làm song thân lo lắng. Nhờ việc hiến dâng những giọt nước mắt vô tội ấy, trẻ Giuse đã được Thiên Chúa ban thưởng các ơn trọng hậu và các ơn soi sáng cao quý hơn nữa, và để đền đáp, con trẻ đã dâng lên Thiên Chúa rất quảng đại những lời cảm tạ.
Mỗi khi thân mẫu đến thay tả lót, mắt trẻ Giuse nhắm lại, mặt thì ửng đỏ và tỏ ra rất khó chịu khi phải trần trụi. Khi nhìn thấy các biểu hiện ấy, thân mẫu của Ngài đã hết sức tế nhị và cẩn trọng, không để hài nhi của mình phải buồn phiền như thế nữa, vì bà nhận thấy rõ ràng ơn thánh đã hoạt động mãnh liệt nơi con mình. Cần nhớ rằng chính bà mẹ của trẻ Giuse cũng là cũng là một linh hồn rất sáng suốt và nhân đức. Trẻ Giuse đặc biệt thân thiết với thân mẫu, tỏ thái độ sung sướng và vui mừng vì gặp được nơi bà một sự thánh đức hiếm thấy.
Trẻ Giuse còn có những tâm tình rất cao khiết; Ngài được ban các ân điển tự nhiên, nhưng đáng kể nhất là các ân huệ siêu nhiên. Con trẻ tăng triển rất trỗi vượt, cả về phương diện thể lý cũng như phương diện tinh thần; phát triển về thể lý nhờ lượng chất bổ dưỡng quý báu được hấp thụ từ thân mẫu là một người rất lành mạnh; và tiến triển về phương diện tâm linh nhờ các ơn thánh do lòng từ ái và quảng đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đào tạo trẻ Giuse theo giống tâm hồn và tinh thần của chính Người, để cho Ngài sau này trở nên lương quân xứng đáng với Hiền Mẫu của Ngôi Lời Thiên Chúa. 18 Con trẻ Giuse đã nhìn nhận những ân huệ được lãnh nhận từ Thiên Chúa trong tinh thần tri ân.
Ghi chú
10 Chân phúc Maria Agreda cũng viết về Chúa Giêsu: “Người chào đời thật đẹp đẽ và toàn thiện” (op. cit., loc. cif).
11 Các văn gia đạo đức đều đồng thanh xác nhận và đưa ra nhiều lý chứng rất thuyết phục để minh chứng vẻ đẹp thể lý của Thánh Giuse (x. Card. Vives, op., cit., chap. 8). Một trong những lý chứng đó là tổ phụ Giuse, người chỉ là hình bóng của Thánh Giuse mà còn có “tướng mạo uy phong và khôi ngô tuấn tú” (St. 39:6). Vì vậy, càng có lý hơn nữa trong trường hợp Thánh Giuse của chúng ta. Tuy nhiên, lý lẽ thuyết phục nhất được suy diễn từ sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho Thánh Giuse. Thánh Giuse là hôn phu của Đức Maria, giữa chồng và vợ phải có một tương quan tự nhiên, một tương đồng trên bình diện ân huệ và phẩm tính. Vì Đức Maria là thụ tạo xinh đẹp nhất, và những hoạt động của Thiên Chúa bao giờ cũng hoàn hảo, nên Thánh Giuse nhất thiết phải xinh đẹp. Hơn nữa, Thánh Giuse không phải là cha nuôi của Chúa Giêsu, Đấng xinh đẹp nhất trong con cái loài người hay sao? Để có thể đạt được mục đích của tương quan cha-con một cách hoàn hảo, nhất thiết phải có một sự tương đồng nào đó giữa Thánh Giuse với Chúa Giêsu, nên Thánh nhân phải có một vẻ đẹp rất ngoại thường, theo như lời Thánh Kinh “một người được nhận biết qua con cái của họ” (Ecclus. 11:30).
Một nhà thần học đương thời cũng viết: “Nếu muốn tìm được ý niệm phù hợp về vẻ đẹp và sức hấp dẫn của Thánh Giuse, ngay cả trên bình diện thể lý, thì tôi cần phải xét đến hình mẫu tuyệt vời Thiên Chúa đã tạo dựng nên Thánh nhân, như Người đã làm trong trường hợp Đức Maria vậy. Vì Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu, nên nhất thiết Chúa phải giống như Đức Mẹ về mặt thể lý, theo như sự an bài của Thiên Chúa. Tuy vậy, muốn nói cho đúng thì phải nói là Đức Maria đã được tạo dựng theo hình mẫu tuyệt hảo là Chúa Giêsu. Thiên Chúa muốn Đức Maria là hình ảnh phản chiếu dịu hiền nhất, thánh thiện nhất của Chúa Giêsu, biểu hiện tình yêu thương nơi trái tim, vẻ đẹp của linh hồn và sự hấp dẫn thể lý của Chúa Giêsu. Hơn nữa, tôi muốn tin như một số nhà thần học uyên bác đã tin, chẳng hạn như cha Gerson, rằng chính ơn quan phòng ngoại thường của Thiên Chúa đã sắp đặt trật tự ngôi hiệp cũng tạo nên những nét tương tự giữa Thánh Giuse và Chúa Giêsu.
“Sau Đức Maria, không có một bản sao hình ảnh nào của Chúa Hài Nhi tuyệt hảo hơn Thánh Giuse. Trên trần thế, Chúa Giêsu tỏa sáng như một mô phạm hoàn hảo và tuyệt vời nhất của mọi vẻ đẹp đích thực, và bằng một quyền năng phi thường, Người còn tỏa sáng rạng rỡ nơi Mẹ trên trời của Người và nơi Đấng mà Người gọi là “cha”, đến độ người Do Thái tự nhiên phải nói rằng: “Ông này là con bác thợ mộc” (Sauve, Le Culte de S. Joseph, Trois Elevat. 1). Cha Gerson đã ca ngợi vẻ hấp dẫn thể lý của Thánh Giuse (Josephina Orat., vers. 161, seg, Romae 1905, p. 75) như sau:
“Giữa những người tâm tính giống nhau có một sự thân giao với nhau. Đối với Thánh Giuse, có lý để tin rằng Ngài có những đặc điểm giống như Chúa Giêsu. Nếu không, làm sao thời ấy người ta có thể nghĩ Ngài là cha của Chúa Giêsu được? Và làm sao Thánh nhân có thể bảo toàn danh dự cho Đức Maria, nếu như Ngài là cha mà lại không có một nét tương tự nào về diện mạo với Chúa Giêsu, người con của Ngài?” 12 Thánh Augustine nói rằng: “Ngày sinh của các vị thánh là niềm vui cho nhiều người.” “Habet sanctorum editio laetitiam plurimorum quia commune est bonum – ngươi sẽ mừng vui hoan hỉ và lắm người sẽ được vui mừng” (Lc 1:14). Thực vậy, thiên thần đã loan báo cho ông Giacaria về Gioan Tẩy Giả rằng, “Lắm người sẽ được vui mừng vì việc con trẻ được sinh ra” (Lc 1:14). Sau khi con trẻ chào đời, “láng giềng và thân thích nghe biết Chúa đã xử rất nhân hậu với bà thì họ đều chung vui với bà” (Lc 1:58). Vì thế, tại sao chúng ta lại ngạc nhiên vì điều tương tự đã xảy ra khi Thánh Giuse chào đời, người đã được tiền định sẽ trở nên vị thánh cao cả nhất, chỉ sau một mình Đức Maria, và là vị thánh được sinh ra để mưu ích cho mọi người?
13 Theo một số tác giả, những ân huệ Thánh Giuse đã được lãnh nhận gồm có: 1) Được đặc miễn khỏi các nhục dục, để Thánh nhân có thể nên giống Đức Trinh Nữ Rất Thánh hơn. (x. P. Reiss, Josephin; Lucerne, Eulogy III, quoted in Trombelli, Vita di S. Guiseppe, p.11; P. Salmerone, Bk. 3, tract 29; Canisius, De Maria S. S., 1, 2, chap. 13; Cartagena, Hom. Cathal. De Sacris Arcanis Deiparae Mariae et de Joseph, Hom. 18, p. 1; De Sanctificatione D. Joseph in Utero Materno, t. 3, p. 312, Naples, 1860).
Theo một số tác giả khác, thì nhục dục nơi Thánh Giuse chỉ bị dập tắt mà thôi. (x. Bernardino de Busti, Mariale, Part 3, Serm. 12, de Desponsat. Mariae, p.2; Pelbarto von Themeswar, Stellar, L. I. P. 6, art. 3, c.1, q. 3; Gerson, Orat. de Nativ. Virg. Mariae, 3rd Conside, quoted by Card. Vives, op. cit., p. 39, and Lepicier, De Sancto Joseph, p. 155).
2) Được giữ gìn trong bậc ân sủng. (x. Gerson, loc. cit.; Graziano, De S. Josepho, Bk. 5, chap. 5, tit. 1; Lepicier, op. cit., p. 160-161, và nhiều tác giả khác).
14 Quý độc giả nên lưu ý đến việc Thánh Giuse được ơn sử dụng lý trí từ khi mới sinh. Đây là một ân huệ mưu ích cho Thánh nhân, một ân huệ rất phù hợp với sứ mạng tương lai làm phu quân của Đức Maria và nghĩa phụ của Chúa Giêsu. Ơn này giúp Thánh Giuse sẵn sàng cho sứ mạng ấy ngay từ buổi đầu trong cuộc đời, qua việc cộng tác với ơn thánh và gia tăng hơn mãi sự sống ân sủng và sự thánh thiện, vượt xa bất kỳ một vị thánh nào khác.
15 Bản tiếng Ý viết như thế này: “Essendosi levata la macchia cheaveva contratto dal peccato originale, stando in grazia edamicizia di Dio, senza quella macchia che glie lo rendesse in qualche modo disgustoso, fu da Dio ornato di molti doni ed anche dell’uso della ragione...” [Thật khó mà biết chắc mẹ Maria Baji – qua đoạn văn này – muốn nói gì về tình trạng linh hồn của Thánh Giuse trước và sau khi được cắt bì. Cha Peter Bergamaschi ban đầu cho là đoạn văn này hàm ý rằng Thánh Giuse đã được khỏi nguyên tội ngay khi được cắt bì, trước khi được nhận lãnh các ân huệ khác. Nhưng sau đó, ngài thấy giải thích như vậy là sai lầm, vì đoạn văn trên thực sự có ý nói Thánh Giuse đã được khỏi nguyên tội trước khi được cắt bì, và có thể là trước cả khi chào đời nữa, vì thế, cha đã bổ túc một phụ chú rất dài khác ở cuốn sách để giải thích vấn đề này. Mặc dù đã chuyển ngữ đoạn văn này theo chiều hướng thiên về lối giải thích thứ hai, nhưng chúng tôi cũng không muốn loại trừ mọi khả năng của lối giải thích thứ nhất. Vì vậy, chúng tôi xin giữ lại cả hai chú thích, chú thích thứ nhất là phần (a), và chú thích thứ hai được tóm gọn lại ít nhiều là phần (b), ở liền dưới đây.
Thông thường, chúng ta hay đồng hóa việc “nên thánh” với sự thành tựu thánh thiện đạt được qua một tiến trình phấn đấu và thanh luyện bền bỉ, hoặc nhờ phúc tử đạo. Khái niệm về việc “nên thánh” bẩm sinh – tiếp theo là cuộc sống thực hành nhân đức và có thể bao hàm sự thanh luyện thêm nữa – thực sự có thể gây ra một số khó khăn, và thậm chí còn tỏ ra hoàn toàn không tương hợp. Có thể coi Thánh Gioan Tẩy Giả là một ví dụ. Được tuyên bố đã “nên thánh” ngay từ lòng mẹ, nhưng sau đó, ngài đã sống một cuộc đời nhiệm nhặt và sau cùng đã tử đạo. Trong những trường hợp loại này, thật hữu ích khi xét đến định nghĩa của hai thuật ngữ “công chính hóa” và “nên thánh” cũng như những sự dị biệt khi sử dụng chúng.
Hai thuật ngữ ấy thường xuyên được sử dụng một cách dễ dãi và hoán chuyển, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác. Chẳng hạn quyển Từ Điển Tín Lý – Dictionary of Dogmatic Theology (Bruce, 1951, pp. 159 và 250) đã tóm lược những dị biệt của hai thuật ngữ này, quá trình “nên thánh” được chia làmba phân đoạn rõ rệt: 1) sinh kỳ (genetic) – bước đường đi từ tình trạng tội lỗi đến với sự thân hữu với Thiên Chúa; 2) tĩnh kỳ (static) – tình trạng “thánh thiện trong bản ngã hoặc hữu thể”, con người được nâng cao nhờ ơn thánh hóa và những ân huệ kèm theo; 3) động kỳ (dynamic) – hoạt động siêu nhiên của linh hồn đã được thánh hóa ấy nỗ lực đạt đến sự kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa. – lời dịch giả].
a) Đối với người Do Thái, Thiên Chúa đã thiết lập nghi thức cắt bì như một phương thế để loại trừ nguyên tội và ban ân sủng. Tuy nhiên, ân sủng được ban không phải do chính hành vi cắt bì, nhưng đúng hơn là do hiệu lực cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, mà nghi thức cắt bì chỉ là hình bóng hay dấu chỉ. Vì thế, Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói về tổ phụ Abraham: “Ông đã nhận lấy dấu cắt bì, niêm ấn cho sự công chính của lòng tin ông đã có trong trạng thái không cắt bì” (Rm 4:11). Thánh Tôma nói rằng: “Ơn công chính hóa được lãnh nhận nhờ đức tin được biểu trưng, chứ không phải nhờ nghi thức biểu trưng của phép cắt bì” (p. 3, q. 70, a. 4).
Như vậy, Thánh Giuse đã được khỏi nguyên tội và đưa vào bậc ân sủng khi được chịu cắt bì. Tuy nhiên, một lời tuyên xưng như vậy có thể không được giời độc giả đạo đức chấp nhận, vì họ thường nghe nói Thánh Giuse đã nên thánh từ trong lòng mẹ. Nhiều tác giả đã xác quyết điều này dựa vào các chứng lý sau đây: 1) Thánh Giuse là người được Thiên Chúa ưu tuyển để trở nên phu quân đích thực của Đức Maria và dưỡng phụ của Chúa Giêsu.
2) Tiên tri Jeremias và Thánh Gioan Tẩy Giả đã được ban đặc ân này. Vậy thì có lý hơn nữa khi tin rằng đặc ân này cũng được ban cho Thánh Giuse, vì sự thánh thiện của Thánh nhân còn cao cả hơn hai vị kia.
3) Chúa Thánh Thần đã gọi Thánh Giuse là “người công chính”, như vậy, chúng ta phải giả định Thánh nhân đã được thánh hóa trước khi sinh ra.
Tuy nhiên, mặc dù ủng hộ vấn đề tiên tri Jeremias và Thánh Gioan Tẩy Giả đã được thánh hóa từ lòng mẹ, nhưng thánh Tiến Sĩ Thiên Thần lại nói thêm: “Nếu không có một chứng cứ bổ trợ từ Thánh Kinh, thì ta không nên tin rằng các thánh khác cũng đã được ban đặc ân này, bởi vì những đặc ân chỉ một số vị được hưởng ấy vượt trên trật tự bình thường được an bài vì lợi ích của những người khác” (p. 3, q. 27, a. 6). [Ngược lại, Thánh Tôma cũng nói đến một “sự sung mãn ơn thánh hóa” được ban cho một số người nào đó nhiều hơn những người khác vào một thời điểm cụ thể (Ibid)] Không có gì được nói rõ trong Thánh Kinh cũng như trong những bản văn của Giáo Hội (mà chúng ta thường qui chiếu khi muốn xác định một chân lý nào đó) đưa chúng ta đến chỗ tin rằng Thánh Giuse đã được thánh hóa trước khi chào đời. Hơn nữa, theo những lời xác quyết của Đức Benedict XIV (De Serv. Dei Beatificatione et Beatorum Canoniz, 1, IV, p.2, G. 20, n. 31, p. 135, Patavii, 1743), những ý kiến ủng hộ vấn đề này không tìm được một nền tảng vững chắc nào trong thần học.
Trong khi đó, cha Suarez viết rằng: “Tôi chẳng nghĩ gì đến việc phải xác nhận hay xác tín điều mà một số người đã qui cho Thánh Giuse, tức là: Ngài đã được thánh hóa từ lòng mẹ. Vấn đề này và những vấn đề tương tự như thế không nên được chấp nhận nếu như không có một nguyên nhân thuyết phục và sử chuẩn nhận của thẩm quyền Giáo Hội hoặc của các vị giáo phụ thánh thiện” (De Mysteriis Vitae Christi., in p. 3, Disp. 8, Sec. 2, nn. 6 & 8).
Cha Suarez còn nói thêm: “Hơn nữa, những nguyên nhân được trình bày nhằm xác quyết Thánh Giuse đã được lãnh nhận đặc ân này dường như không phù hợp. Trước tiên, mặc dù giữ một sứ mạng đặc biệt đòi có một mức độ thánh thiện siêu vời, nhưng không nhất thiết Thánh Giuse phải được thánh hóa ngay từ lòng mẹ. Sau khi được công chính hóa nguyên khởi, Thánh nhân vẫn có thể đạt đến mức độ thánh thiện phù hợp với sứ mạng của Ngài. Thứ hai, có thực sự là tiên tri Jeremias đã được đặc ân ấy không? Phần cá nhân tôi, tôi không tin điều này, và tôi kết luận như vậy dựa vào việc giải thích lời Thánh Kinh: “Trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1:5). Người ta cho rằng cụm từ “Ta đã thánh hóa” trong tiếng Hy bá còn có nghĩa là “tiền định” hoặc “ủy thác cho một sứ mạng”, như có thể gặp trong những đoạn khác (x. St. 2:3, Xh 12:2 và 40:9; Ga 17:19).
Vì thế, Calmet đã viết: “Theo một số giáo phụ và nhiều nhà phê bình, trong trường hợp này, dường như đúng hơn nếu nói rằng, tiên tri Jeremias “đã được thánh hóa” theo nghĩa là “đã được tiền định” hoặc “được chuẩn bị” cho một điều gì đó (Comm. in cap. 1 Hier., vers. 5, opp. T VI Venet, 1763, p. 35). Như vậy, Thánh Kinh chỉ đề cập đến trường hợp duy nhất của Thánh Gioan Tẩy Giả, người được thánh hóa trong lòng mẹ mà thôi. [Thánh Augustine có những hoài nghi về điều này và cũng đã đưa ra một giải thích khác về việc Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng” trong lòng mẹ (x. St. Thomas, Summa, p. 3, q. 27, art. 6)].
“Nhưng đặc ân này có thực sự cần thiết để xác quyết mức độ thánh thiện của Thánh Giuse như thể là thua kém so với Thánh Gioan Tẩy Giả hay không? Thực sự, không hề. Vào thời điểm Thánh Gioan Tẩy Giả còn trong lòng mẹ, thì ơn cứu độ đã thực sự khởi đầu, Chúa Giêsu Kitô đã là Đấng Cứu Thế, và Đức Maria, qua hành vi chấp nhận, đã là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc; nhưng vào trường hợp Thánh Giuse, những sự thể ấy chưa xảy ra.
“Hơn nữa, dù Thánh Kinh tuyên xưng Thánh Giuse là “người công chính” (Mt 1:19), nhưng chúng ta cũng đừng nghĩ sai lầm về vấn đề này, vì ở đây chỉ nói đến tình trạng công chính chung chung, tức là sự thánh thiện của Thánh Giuse, chứ không hàm ý về một đặc ân đặc biệt nào cả, như việc được thánh hóa ngay từ lòng mẹ (x. Lepicier, op. cit., ed. cit., pp. 143-150).
b) “Lời giải thích ban đầu của tôi đối với đoạn văn của mẹ Maria Baji về điểm này rõ ràng quá hấp tấp. Sau khi xem xét kỹ lưỡng đoạn văn này, dường như tôi thấy rất hiển nhiên là mẹ Baji thực sự đã xác nhận về một hiện trạng thánh thiện của Thánh Giuse còn sớm hơn nữa (giả thiết là khi còn trong lòng thân mẫu), và theo mẹ, dịp cắt bì chỉ là lúc Thánh Giuse được lãnh nhận nhiều ân huệ, kể cả ơn sử dụng lý trí. Điều này dường như được kiện chứng khi liên hệ với những đoạn văn bên trên, chẳng hạn: đức nết na đặc biệt nơi Thánh Giuse và việc Ngài không biểu lộ những dấu hiệu tình cảm như thông thường, giấc mơ của song thân, sự kiện ba ngôi sao xuất hiện khi Thánh nhân được hiện thai trong lòng thân mẫu. Việc phát hiện ra lời giải thích này dường như làm thỏa mãn đa số các nhà thần học và chú giải Công Giáo. Một bức thư của kinh sĩ John Valpondi di Bertinoro đã đề nghị một điều tương tự như thế và đã xác nhận ý kiến hiện thời của tôi về đoạn văn này. Hơn nữa, mẹ Maria Baji gián tiếp đề nghị kết luận này ở ngay đầu cuốn sách này khi nói rằng Thánh Giuse đã được tiền định trở nên giống như Đức Maria trên bình diện ân sủng. Chắc chắn Thiên Chúa có thể làm được điều đó, và địa vị cao sang của Thánh Giuse rõ ràng cũng đòi hỏi như vậy. Cả Đức Maria và Chúa Giêsu sẽ được vinh dự về điều này, hơn nữa, chúng tôi không muốn nghĩ rằng một vị có nhiệm vụ bảo toàn đức trinh khiết của Đức Maria, phu quân của Đấng thánh thiện nhất giữa mọi người nữ, mà suốt chín tháng trời lại ở dưới quyền của kẻ thù đối nghịch với Thiên Chúa.
“Những thời của các động từ được sử dụng trong đoạn văn này rõ ràng hậu thuẫn cho lối giải thích liên quan đến việc khỏi nguyên tội vào một thời điểm sớm trong quá khứ, chứ không phải chỉ là việc trước khi thông ban các ân huệ khác mà thôi.
“Tôi đã trình bày sự ủng hộ ý kiến của những ai tin rằng Thánh Giuse đã được thánh hóa trước khi chào đời trong tác phẩm Vita di Maria S. S., vol. 1, p. 301-2, và quyển Vita di S. Giuseppe Secondo la Scrittura e la Tradizione. Trong số những vị hậu thuẫn điều này có: thánh John Damascene (Officio Hierosolymitano S. Josephi), Gerson (Serm. de Nativ. B.V. M.), thánh Bernardine Siena (Serm. 1, de S. Josepho), Ecchio (Serm. de S. Josepho), Salmeron, Osorio, Marales (in Cap. 1 Matt., lib. 3, Tract 2), Giacomo di Valenza (Tract. Sub. Magnif.), Barradas (In festo S. Josephi Concord., lib. 7, 8), d’Argentan (Conferences sur less grandeurs de la Sainte Vierge, T.I.), Collet, thánh Peter Nanisius, thánh Leonard of Port Maurice, thánh Alphonsus Liguori, Hallez, Ventura, và hầu hết các văn sĩ trong thời đại chúng ta.”
16 Độc giả có thể thắc mắc: nếu như nhục dục đã bị miễn trừ hoặc dập tắt nơi Thánh Giuse, và nếu như Thánh nhân đã được củng cố vững vàng trong ân sủng, thì Ngài cần đến sự bảo vệ của thiên thần làm gì nữa? Nếu như Thánh Giuse đã được nâng lên một bậc còn cao sang hơn các thiên thần, thì phải chăng các thiên thần hầu cận đúng hơn là bảo vệ cho Thánh nhân?
Chúng tôi xin trả lời cho nghi vấn này như sau: khi nói về nguyên tổ Adam trong tình trạng vô tội và nguyên tuyền lúc ban đầu, thánh Tôma cho rằng Adam cần sự bảo vệ của thiên thần cho khỏi những nguy hiểm bên ngoài (p.1, q. 113, art. 4), và Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria cũng vậy vì Mẹ còn sống trên thế gian (p. 3, q. 30, art. 2). Cũng với lý do ấy, Thánh Giuse cũng cần sự bảo vệ của thiên thần trước các nguy hiểm bên ngoài trong thời gian còn là một lữ hành dương thế. Tuy nhiên, có một sự khác biệt ở đây. Đối với những lữ hành dương thế bình thường, các thiên thần được ban như những vị hướng dẫn và che chở, những bề trên đối với bề dưới. Còn đối với Đức Maria và Thánh Giuse thì ngược lại, các thiên thần được ban như vệ sĩ dọn đường, cất đi những trở ngại bên ngoài và để chuyển đạt cho các Ngài những thông điệp cao quý do Thiên Chúa gửi đến. Điều này thật rõ ràng trong các Phúc Âm.
17 [Những giải quấn thường được sử dụng chung với tả lót và được dùng thay cho áo quần, chủ yếu là để bảo vệ tứ chi con trẻ còn non nớt khỏi bị tổn hại. Những giải vải ấy ngày nay vẫn còn được sử dụng, mặc dù ít hơn, tại một số nước. Bản văn tiếng Ý sử dụng hai từ giải vải và tả lót lẫn lộn nhau suốt quyển sách, nhưng trong mỗi chỗ như vậy, danh từ được sử dụng có thể hiểu là bao gồm tả lót lẫn các giải vải. Lời dịch giả].
18 Xin hãy nhớ những lời này, vì nó làm sáng tỏ những điều kỳ diệu về Thánh Giuse ở đây, cũng như về sau, trong quyển sách này. Chính Thiên Chúa – bằng nhửng hồng ân phi thường và với một lòng sủng ái đặc biệt – đã đào tạo và hướng dẫn Thánh Giuse để Ngài sẽ trở nên phu quân xứng đáng với Mẹ Thiên Chúa và hiền phụ đồng trinh nhưng hợp pháp của Chúa Giêsu.